Trang trại nuôi lươn không bùn của anh Lê Văn Đông (xã Đông Phú, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) được xây dựng từ năm 2020. Trước khi trở thành ông chủ trại nuôi lươn, anh Đông từng kinh doanh đá ốp lát.
Anh Đông cho biết, quá trình đến với nghề nuôi lươn xuất phát từ đam mê và cơ duyên. Một lần tình cờ bắt gặp mô hình nuôi lươn trong bể xi măng ở tỉnh Vĩnh Long đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh thấy thích hợp với điều kiện ở quê nhà. Từ đó, anh Đông quyết định bỏ nghề đá ốp lát, về quê khởi nghiệp nuôi lươn.
Để thực hiện mô hình, đầu năm 2020, anh Đông dốc toàn bộ vốn tích lũy, được khoảng 350 triệu đồng, khăn gói vào Vĩnh Long để học cách nuôi lươn. 3 tháng sau, anh về quê, tận dụng lại diện tích đất vườn của gia đình, xây dựng hơn 10 bể xi măng để nuôi thử nghiệm 2.500 con lươn giống.
Ngay trong lần đầu khởi nghiệp, chàng trai trẻ đã thành công ngoài mong đợi, lứa lươn đầu tiên phát triển tốt, sản lượng cao, anh xuất bán ra thị trường khoảng 4 tấn, trừ hết chi phí lãi 160 triệu đồng.
Trước thành công bước đầu, anh quyết định “đánh cược” để làm giàu, dốc toàn bộ gia sản mở rộng quy mô chuồng trại lên 30 bể xi măng, nhận liên kết với 5 trại vệ tinh ở địa phương. Đến nay, sản lượng lươn sản xuất ra mỗi năm khoảng 30 tấn (trong đó trang trại của gia đình là 10 tấn, trại vệ tinh 20 tấn). Trừ hết chi phí, anh thu lợi nhuận 300-500 triệu đồng.
Theo anh Đông, nuôi lươn không bùn không vất vả nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao. Để lươn sinh trưởng tốt, anh xây dựng hệ thống nước và bể xử lý khá bài bản.
“Lươn rất dễ nhiễm khuẩn, bị các bệnh ngoài da và đường ruột. Nguyên nhân chính là do nguồn nước. Vì vậy, mỗi ngày tôi phải thay 2 lần nước. Ngoài ra, còn phải xử lý nước thông qua bể lọc, sau đó mới đưa vào chuồng trại. Bên cạnh đó, phải thường xuyên theo dõi để bổ sung vitamin C, men tiêu hóa khi con lươn có dấu hiệu bị bệnh”, ông chủ trang trại chia sẻ.
Cũng theo anh Đông, do đặc thù khí hậu ở miền Trung khắc nghiệt nên mỗi năm chỉ nuôi được một lứa lươn. Lươn giống sau khi nuôi khoảng 11-12 tháng có thể xuất bán. Hiện giá lươn thương phẩm mà gia đình anh Đông bán ra thị trường dao động từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng/kg.
Thị trường mà anh Đông hướng đến chủ yếu là các nhà hàng trong tỉnh. Đầu năm 2023, anh Đông xây dựng thêm khu chế biến lươn cuộn thịt để phục vụ khách hàng. Với mặt hàng này, mỗi tháng anh xuất bán ra thị trường khoảng 1,5 tấn lươn thành phẩm, với giá dao động 180.000-250.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Chí Cường, Chủ tịch Hội làm vườn và trang trại huyện Đông Sơn cho biết, trại nuôi lươn không bùn của anh Đông là mô hình điển hình, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
“Mô hình nuôi lươn này rất mới, quy mô lớn nhất huyện Đông Sơn. Đặc biệt, phương pháp nuôi của anh Đông rất khoa học nên đem lại hiệu quả cao. Địa phương đang tiếp tục theo dõi, động viên các hội viên của huyện đến tham quan, học tập. Nếu ổn định thì sẽ vận động nhân rộng mô hình này, đồng thời định hướng cho gia đình anh Đông xây dựng lươn cuộn thịt thành sản phẩm OCOP (sản phẩm thế mạnh địa phương)”, ông Cường nói.