(NLĐO)- Đại biểu Quốc hội cho rằng kết quả nghiên cứu khoa học thời gian qua được đưa vào thực tiễn rất ít, thậm chí để trong ngăn kéo
Ngày 17-2, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Quan tâm đến các cơ chế, chính sách về thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) cho rằng dự thảo Nghị quyết thể hiện nội dung này chưa rõ nét, còn mờ nhạt.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí phát biểu tại hội trường. Ảnh: Phạm Thắng
Theo đại biểu Trí, đây là nội dung rất cần thiết vì tạo động lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Khi kết quả nghiên cứu khoa học được thương mại hóa là động lực quan trọng cho các nhà khoa học, mặt khác, còn tạo ra, bổ sung thêm kinh phí cho hoạt động này.
"Khi kết quả nghiên cứu khoa học được thương mại hoá, sẽ tạo ra vị thế của lĩnh vực này trong đời sống xã hội, góp phần nâng cao vị thế quốc gia"- ông Nguyễn Anh Trí phát biểu. Vị đại biểu này cho rằng với nguồn thu khi kết quả nghiên cứu được thương mại hoá, sẽ đảm bảo đời sống cho các nhà khoa học.
Ông Nguyễn Anh Trí cho biết nhiều nhà khoa học giỏi làm việc tại các Viện nghiên cứu, trường đại học, song tiền lương, thu nhập không đảm bảo khiến hoạt động nghiên cứu ngày càng khó khăn hơn. Trên thế giới, theo đại biểu Trí, nhờ thương mại hoá, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã trở thành "hàng hóa trí tuệ đặc biệt".
Ở trong nước, ông cho biết đã có kết quả nghiên cứu khoa học được thương mại hoá, nhưng không nhiều, hầu hết không được đưa vào thực tiễn. "Thậm chí kết quả nghiên cứu khoa học chỉ ở trong ngăn kéo cho đến lạc hậu với thời cuộc, mục nát theo thời gian"- đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nêu thực tế.
Ông lấy dẫn chứng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã nghiên cứu phát hiện kháng thể bất thường bằng bộ panel hồng cầu, được đưa vào sử dụng với kết quả tốt, chi phí rẻ hơn hàng nhập khẩu, phù hợp với người Việt Nam, song để thương mại hóa lại rất khó khăn khi thủ tục phức tạp.
Do đó, để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các văn bản pháp luật hiện hành về đấu thầu, định giá, chuyển giao... để bổ sung vào dự thảo Nghị quyết nhằm thương mại hóa cho được các kết quả nghiên cứu khoa học.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) kiến nghị bổ sung các chính sách để bảo đảm đầu ra của các nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nước, trong đó tập trung vào việc có chính sách để nhà nước trở thành khách hàng đầu tiên và quan trọng nhất đối với các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nước.
"Kinh nghiệm của các nước cho thấy đây là vấn đề rất quan trọng. Chẳng hạn đối với ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn, lịch sử phát triển của ngành này cho thấy nếu không có các chương trình của Nhà nước trong việc tiêu thụ, sử dụng chip bán dẫn vào thập kỷ 1950, 1960 thì các doanh nghiệp sản xuất chip vào thời điểm đó sẽ không có đủ nguồn lực và động lực để tiếp tục đầu tư nghiên cứu, phát triển chip bán dẫn tiên tiến như ngày nay"- đại biểu Hiếu nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hiếu, việc bảo đảm sử dụng các kết quả nghiên cứu, phát triển trong các chương trình của Nhà nước còn thể hiện sự niềm tin vào năng lực của các nhà khoa học, các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước.
Hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta trong các quy định của Luật Đấu thầu, Luật Khoa học và Công nghệ đã có một số quy định đề cập đến chính sách này nhưng vẫn chưa cụ thể và theo nhiều nghiên cứu cho thấy chưa có tính khả thi trên thực tế. Vì vậy, đại biểu Hoàng Minh Hiếu kiến nghị cần nghiên cứu để tháo gỡ các vướng mắc, sớm đưa chính sách này vào thực tiễn.
Nguồn: https://nld.com.vn/dai-bieu-quoc-hoi-ket-qua-nghien-cuu-khoa-hoc-nam-trong-ngan-keo-den-lac-hau-muc-nat-196250217092753552.htm
Bình luận (0)