Kỳ thi tốt nghiệp THPT:
Kết quả kỳ thi sử dụng cho nhiều mục đích nên các yêu cầu luôn rất cao
(BĐ) – Sáng 15.6, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 giữa Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng – Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đồng chủ trì hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bình Định (ảnh).
Thông tin tại hội nghị, Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương cho biết năm nay hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, có 37.841 thí sinh tự do, chiếm 3,69% tổng số thí sinh; có 968.160 thí sinh đăng ký trực tuyến, chiếm 95% tổng số thí sinh. Tổng số thí sinh đăng ký miễn thi môn Ngoại ngữ là 46.670, chiếm 4,55% tổng số thí sinh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được tổ chức cơ bản ổn định như năm 2022, Bộ đã chỉ đạo chung, các tỉnh, thành phố chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương. Kỳ thi diễn ra từ ngày 27 – 30.6.2023; công bố kết quả thi vào ngày 18.7.2023; hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT chậm nhất ngày 20.7.2023.
Bộ GD&ĐT huy động gần 8.000 cán bộ, viên chức các cơ sở giáo dục ĐH để tổ chức 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi của Bộ và 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi của Bộ tại 63 sở GD&ĐT.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia tiếp tục tổ chức các đoàn làm việc, kiểm tra địa phương về công tác chuẩn bị tổ chức thi, công tác coi thi và chấm thi; kết nối thường xuyên với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các địa phương để phối hợp tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tính chất định kỳ hằng năm, cũng như yêu cầu, đòi hỏi cao của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi diễn ra trong toàn quốc, được xã hội quan tâm, kết quả của kỳ thi được sử dụng cho nhiều yêu cầu về chuyên môn và các mục đích khác nhau, cho nên chỉ đạo và các yêu cầu luôn rất cao.
Theo Bộ trưởng, kỳ thi năm nay học sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông cũ – chương trình 2006, với chương trình và sách giáo khoa cũ; tuy nhiên, tinh thần đổi mới đang trong thời điểm thực hiện ở tất cả các lớp, các chương trình, chứ không chỉ là thi theo chương trình cũ. Kỳ thi năm nay có một vài điểm mới, điều chỉnh, các yêu cầu đối với việc tập huấn, quán triệt thực hiện phải được chuẩn bị rất chu đáo.
Nguồn: BTV |
Đánh giá cao nhiều tỉnh/thành phố ngoài triển khai các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT còn cẩn thận chuẩn bị theo các yêu cầu riêng của địa phương, Bộ trưởng đề nghị Ban Chỉ đạo các cấp bám chắc các yêu cầu trong Chỉ thị 17 ngày 29.5.2023 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời có sự thống nhất, liên thông, kết nối thông suốt giữa các cấp và Ban Chỉ đạo để thực hiện được đầy đủ Chỉ thị 17.
Trong các công việc cần chuẩn bị, Bộ trưởng nhấn mạnh Ban chỉ đạo địa phương ưu tiên chuẩn bị về phương diện kỹ thuật, trang thiết bị và yếu tố con người. Thông suốt trong triển khai công việc và xử lý các tình huống. Công tác thông tin, truyền thông cũng là một phần của công tác tổ chức thi đảm bảo cho sự thành công của kỳ thi. Đồng thời, đề nghị các địa phương có vướng mắc liên quan trao đổi ngay và kịp thời để Bộ GD&ĐT và Ban Chỉ đạo quốc gia có thể xử lý.
Đối với tỉnh Bình Định, năm nay toàn tỉnh có 18.903 thí sinh đăng ký dự thi. Phần lớn thí sinh vừa đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ (chỉ có 327 thí sinh đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp THPT).
THU HIỀN