Nguồn tin là vốn quý của người làm báo, do đó, thực hiện văn hóa ứng xử trong tiếp xúc với nguồn tin, phỏng vấn nhân vật và trao đổi, đặt bài cộng tác viên, với chị là điều cực kì quan trọng, cần phải xây dựng, hướng tới để có một đội ngũ cộng tác viên tin cậy, chất lượng… góp phần làm phong phú, sinh động cho những trang báo.
Ba giám sát, ba kết nối…
Nhà báo Thu Hà cho biết, Báo QĐND thực hiện nhiệm vụ chính trị, quốc phòng là chủ yếu, không phải tờ báo chuyên về văn nghệ nhưng lĩnh vực văn hóa luôn được tờ báo quan tâm, đẩy mạnh. Trong khi đó, đây là lĩnh vực rất rộng, bao trùm cả trong và ngoài quân đội nên phóng viên mới chỉ cơ bản đáp ứng tin và làm phản ánh vấn đề, còn những vấn đề chuyên sâu thì chưa đủ sức khái quát, bao quát và đào sâu. Do đó, lực lượng cộng tác viên, nhất là chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ… là hết sức cần thiết để làm sâu và đa dạng góc nhìn, giọng điệu, tính thuyết phục của thông tin; đồng thời tăng uy tín của chuyên mục, cũng như góp phần nâng cao vị thế, thương hiệu của tờ báo…
Nhà báo Thu Hà chia sẻ: “Với đặc thù nội dung mà Phòng Biên tập Văn hóa – Thể thao phụ trách là: Văn hóa, văn học, nghệ thuật, giáo dục, du lịch, thể thao, phòng chúng tôi có phương châm tác nghiệp, thể hiện văn hóa ứng xử “Ba bám sát, Ba kết nối”.
“Ba bám sát” gồm: Bám sát lĩnh vực được phân công phụ trách; bám sát các sự kiện, vấn đề thời sự, dư luận xã hội quan tâm; bám sát thực tiễn đời sống và thực tiễn cơ sở để có những thông tin cụ thể, sinh động.
“Ba kết nối” gồm: Kết nối với cơ quan quản lý nhà nước theo lĩnh vực tuyên truyền; kết nối với các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học để có nguồn tin chính thống, chuyên sâu, tin cậy; kết nối với đội ngũ thông tin viên, cộng tác viên để góp phần làm phong phú nội dung thông tin, đề tài trên trang báo”.
Với phương châm ấy, sự gắn bó, kết nối với nguồn tin theo nhà báo Thu Hà là điều cốt lõi, là chìa khóa của thành công, nguồn tin tốt thì bài viết của phóng viên sẽ tốt. “Thêm nữa, với Báo QĐND, tiêu chí đầu tiên là phải cung cấp cho người đọc nguồn tin chính xác, rồi mới đến hay. Do vậy nguồn tin phải đúng, đúng định hướng, đúng mục tiêu tuyên truyền. Nguồn tin đó gắn với sự kiện, đơn vị cung cấp, cá nhân cung cấp.
Đối với nhân vật, đặc biệt là chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo dục, nghệ sĩ có uy tín… những người am hiểu trong lĩnh vực của họ, cung cấp nguồn tin thể hiện tính khách quan, có chính kiến góp phần giúp phóng viên có cái nhìn đa chiều, tổng quan hơn về vấn đề để cung cấp, tuyên truyền đến bạn đọc thông tin có tính định hướng, lan tỏa các luận điểm đúng đắn, nhân văn, hướng xã hội vươn tới những giá trị tích cực; đồng thời phản bác lại những hành vi sai trái, tiêu cực, gây mất ổn định chính trị- xã hội.
Đặc biệt, những vấn đề Báo QĐND đăng tải không chỉ mục đích tuyên truyền, mà còn có nhiệm vụ lưu trữ thông tin, tư liệu. Do đó, những nguồn tin từ các chuyên gia, nhà khoa học… vô cùng cần thiết và rất thiết thực trong công tác lưu trữ thông tin” – Trung tá Đặng Thu Hà nhấn mạnh.
Sự trân trọng với cộng tác viên
Việc tạo lập, ứng xử và gìn giữ các nguồn tin, các mối quan hệ luôn là vấn đề trăn trở đối với người cầm bút. Với Phòng Biên tập Văn hóa – Thể thao đều phải có những chiến lược rất cụ thể trong từng năm, từng thời điểm. Nhà báo Thu Hà chia sẻ rằng, để thực hiện nhiệm vụ này, với sự quan tâm chỉ đạo của Ban biên tập, thủ trưởng phòng cùng các phóng viên đã phải sớm lên kế hoạch, nhìn thấy trước những sự kiện quan trọng sẽ diễn ra trong năm.
Chẳng hạn như cuối năm 2022 thì đã phải xác định năm 2023 có 2 sự kiện lớn của nước nhà liên quan đến lĩnh vực văn hóa là 80 năm ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW về phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới… để lên kế hoạch đặt bài, phỏng vấn chuyên gia làm rõ, tuyên truyền nổi bật về hai sự kiện này. Hoặc có những sự kiện, lĩnh vực xảy ra đột xuất như góp tiếng nói phản biện việc ngành Giáo dục đưa môn Lịch sử trở thành môn học tự chọn…
Nếu không có những đội ngũ chuyên gia thân thiết, tin cậy thì khó lòng có thể phản ứng nhanh được với những vấn đề thời sự, mang hơi thở cuộc sống, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội.
“Bên cạnh đó, Phòng Biên tập Văn hóa – Thể thao chúng tôi còn đảm nhiệm một chuyên trang mang tính đặc thù như Văn nghệ thứ Sáu hằng tuần với những nội dung mang tính phân tích chuyên sâu. Đội ngũ cộng tác viên đóng vai trò quan trọng sống còn với chuyên mục” – nhà báo Thu Hà cho biết.
Tất nhiên không thể phủ nhận rằng, việc công tác ở tờ báo uy tín với truyền thống hơn 70 năm của Báo QĐND cũng là một lợi thế trong việc khai thác nguồn tin và tạo dựng sự tin tưởng, mối quan hệ với cộng tác viên. Nhưng đây cũng luôn là những thách thức đòi hỏi những nhà báo chiến sĩ luôn phải ứng xử văn hóa, thể hiện là người hiểu biết, chân thành, trách nhiệm, khéo léo, tạo thiện cảm, niềm tin đối với nhân vật phỏng vấn, cộng tác viên để họ hợp tác cung cấp thông tin tốt nhất cho mình.
Nhà báo Thu Hà kể: “Các phóng viên Phòng Biên tập Văn hóa – Thể thao thường xuyên được phân công tham gia thực hiện các bài viết, vệt bài quan trọng, nên việc được tiếp cận với các chuyên gia, nhà khoa học hay đón nhận những bài viết của các cộng tác viên là chuyên gia khiến chúng tôi thấy đây vừa là niềm vinh dự, vừa là cơ hội học hỏi nâng cao kiến thức trong từng lĩnh vực.
Tôi từng nghe nhiều đồng nghiệp của mình nói rằng, để có một buổi trò chuyện với các chuyên gia nói về một vấn đề nào đó thì phải đọc sách cả tháng về vấn đề này. Làm báo còn được trực tiếp đến nhiều mảnh đất, tiếp cận nhân vật, “mục sở thị” vấn đề. Đây cũng là những cơ hội vô cùng tuyệt vời để tăng thêm mối quan hệ với cộng tác viên và xây dựng thêm nhiều cộng tác viên mới”.
Kể thêm một số kinh nghiệm, cách thức kết nối, gìn giữ mối quan hệ với cộng tác viên, chuyên gia tinh tế, thú vị cũng được nhà báo Thu Hà bật mí. Chị cho hay: Mỗi người sẽ có những cách tiếp cận và thiết lập hệ thống cộng tác viên phù hợp. Theo kinh nghiệm được các phóng viên trong phòng chia sẻ, phải biết phát hiện chuyên gia trong những sự kiện như hội nghị, tọa đàm. Nếu diễn giả nào phát biểu hay phải tìm cách tiếp cận, xin phỏng vấn để làm quen. Ban đầu là phỏng vấn theo kiểu ý kiến chuyên gia, dần dần khi mối quan hệ trở nên thân thiết hơn, có thể đặt bài họ.
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học chỉ quen viết tham luận, bài nghiên cứu chuyên sâu mà chưa viết báo bao giờ, sẽ rất khó. Phóng viên ban đầu nên gửi bài mẫu, gạch khung dàn ý để họ hiểu cách viết trên báo mình. Những ứng xử văn hóa với nguồn tin, đội ngũ cộng tác viên này còn thể hiện ở việc phải biết cách “chiều” và xin phép biên tập lại bài cộng tác viên gửi theo văn phong báo chí cùng với giải thích cụ thể về tiêu chuẩn bài báo với quy định số lượng chữ, nội dung, thời điểm đăng báo. Đồng thời, thông báo rõ mức nhuận bút, tránh những bất đồng xảy ra sau này. Nếu không có điều kiện tiếp xúc trực tiếp, phóng viên có thể tìm kiếm chuyên gia qua việc xem tivi, báo đài. Người nào nói về vấn đề mình quan tâm có thể tìm cách liên lạc…
Để giữ chân và duy trì mối quan hệ với cộng tác viên, phóng viên sau khi biên tập bài phải chuyển lại cho họ xem trước khi đăng, thể hiện sự tôn trọng với tác giả. Khi bài đăng, gửi bản PDF và đường link và nhuận bút đầy đủ đến họ. Giữ uy tín, thể hiện ứng xử có văn hóa với nguồn tin, đội ngũ cộng tác viên còn ở việc đến hẹn đúng thời gian. Trước khi đi gặp chuyên gia, nhà khoa học, phóng viên phải đọc tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của họ để hiểu họ; tìm hiểu về các công trình nghiên cứu, các cuốn sách hoặc sự tham gia của họ trong các hoạt động liên quan đến lĩnh vực làm nghề.
Với kinh nghiệm của phóng viên, trong các hội thảo khoa học, sự kiện lớn có sự tham gia của các chuyên gia, sau khi họ phát biểu có thể tìm đến để thể hiện sự quan tâm, cảm kích trước vấn đề họ vừa phát biểu để gây dựng mối thiện cảm, sự trân trọng với cộng tác viên…
Hà Vân (Ghi)