Kết nối tiêu thụ vải lai chín sớm Phù Cừ
Ngày 12/5, huyện Phù Cừ tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ vải lai chín sớm Phù Cừ. Tham dự hội nghị có đại diện Bộ Công thương; đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ và trên 100 công ty, doanh nghiệp, đầu mối thu mua nông sản trong và ngoài tỉnh.
Các đại biểu tham quan mô hình trồng vải lai chín sớm Phù Cừ tại xã Tam Đa |
Huyện Phù Cừ có trên 1.100ha trồng vải lai chín sớm Phù Cừ và vải trứng Hưng Yên, trong đó diện tích trồng vải lai chín sớm là 850ha, được trồng chủ yếu tại các xã: Tam Đa, Minh Tiến, Tiến Tiến. Toàn huyện có 3 vùng trồng vải ở các xã: Tam Đa, Minh Tiến và Phan Sào Nam được cấp mã số OTAS xuất khẩu ra thị trường các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu.
Vải lai chín sớm Phù Cừ thu hoạch rộ vào nửa cuối tháng 5 và cho thu hoạch sớm hơn các loại vải khác trên thị trường. Vải lai chín sớm Phù Cừ khi chín có màu đỏ tươi, hương vị thơm ngon, dịu ngọt; trọng lượng trung bình 25-20 quả/kg. Vải lai chín sớm Phù Cừ được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; được UBND tỉnh Hưng Yên xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao.
Năm 2023, ước tính sản lượng vải lai chín sớm Phù Cừ khoảng 12.000 – 12.500 tấn và cho thu hoạch cuối tháng 5 và đầu tháng 6.2023.
Tại hội nghị, các công ty, doanh nghiệp, đầu mối thu mua nông sản đã chia sẻ những kinh nghiệm với nông dân huyện Phù Cừ về quy trình sản xuất, quy trình thu hoạch sản phẩm vải lai chín sớm Phù Cừ bảo đảm chất lượng, mẫu mã sản phẩm, nhất là sản phẩm xuất khẩu sang thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản; các điều kiện để đưa sản phẩm quả vải tươi vào hệ thống siêu thị…
Tại hội nghị, một số siêu thị, doanh nghiệp trong nước và các hợp tác xã trên địa bàn huyện đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm vải lai chín sớm Phù Cừ.
Trước đó, các đại biểu tham dự hội nghị tham quan thực tế vùng trồng vải tại xã Minh Tiến và xã Tam Đa.
PV