(ĐCSVN) – Diễn đàn đặt mục tiêu thúc đẩy kết nối giữa các bên trong chuỗi giá trị dừa, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và nông dân nắm bắt các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm. Đồng thời hướng tới tăng cường hợp tác, minh bạch thông tin và phát triển bền vững ngành dừa Việt Nam.
Ngày 13/12, thực hiện nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam cùng các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa” tại tỉnh Bến Tre. Diễn đàn diễn ra với hai hình thức trực tiếp và trực tuyến qua nền tảng zoom.
Sản phẩm dừa sáp tươi (Ảnh: PV) |
Dừa là 1 trong 6 đối tượng nằm trong Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 đã được Bộ NN&PTNT ban hành theo Quyết định 431/QĐ-BNN-TT năm 2024. Đề án đặt mục tiêu, đến năm 2030, diện tích dừa khoảng 195.000 – 210.000 ha, trong đó vùng trồng dừa trọng điểm ĐBSCL khoảng 170.000 – 175.000 ha. Đồng thời, trên 30% diện tích dừa được sản xuất theo quy trình GAP, hoặc tương đương. Diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 30%.
Từ con số khiêm tốn 180 triệu USD kim ngạch xuất khẩu năm 2010, ngành dừa đã phát triển mạnh mẽ, đạt hơn 900 triệu USD vào năm 2023 và kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024. Trong nhóm thị trường trọng điểm, Trung Quốc có nhu cầu lớn nhất. Vừa qua, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép dừa tươi xuất khẩu chính ngạch, mở ra cơ hội to lớn cho dừa tươi Việt Nam
Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Thanh Thủy (Ảnh: PV) |
Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Thanh Thủy nhận định, việc phát triển bền vững mặt hàng dừa là cần thiết, nhất là hiện nay.“Không chỉ vì mục tiêu xuất khẩu, chúng ta mới làm chất lượng, mà phải xác định là cần làm vì chính người dân, cuộc sống và sinh kế của họ”, bà Thủy nói.
Theo bà Thủy, bên cạnh việc sản xuất và xuất khẩu dừa tươi, công nghiệp chế biến dừa hiện đã rất phát triển, hiện chiếm tới hơn 70% giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, cây dừa còn là loại cây gần như không bỏ đi thứ gì, đây cũng là tiền đề quan trọng trong nhiệm vụ phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Do đó, để cây dừa tránh được những rủi ro về thị trường, giá bán cũng như cân đối cung – cầu, cần có thêm những sản phẩm mới, tích hợp được các giá trị khác nhau từ cây dừa.
Nhà báo Trần Cao, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, đối với việc gian lận mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, nếu như ngày trước còn có sự dè dặt thì nay cần phải làm gay gắt và chỉ đích danh vì đây là hành vi “vi phạm pháp luật”, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam, để ngành dừa phát triển, cần chia sẻ hài hòa lợi ích nông dân và doanh nghiệp. Bà cũng chỉ ra thực trạng rằng ở các vùng cơ sở hạ tầng tốt ở Bến Tre, giá dừa ở mức 70.000-100.000 đồng/chục quả. Nhưng ở các vùng cơ sở hạ tầng yếu kém, giá dừa ở mức thấp hơn nhiều. Do đó, bà đề nghị các địa phương trồng dừa tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng để thúc đẩy ngành dừa ở vùng sâu xa, tạo điều kiện cho logistics.
Cũng tại Diễn đàn, ông Trần Anh Thuy, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bến Tre, đề nghị cơ quan quản lý quan tâm hơn đến các giống dừa, cũng như công nghệ chế biến sản phẩm dừa. Hiện, tỉnh Bến Tre đang tổ chức tiếp nhận Trung tâm Dừa Đồng Gò từ Bộ Công thương. Dựa trên nguồn lực này, ông Thuy đề nghị cơ quan quản lý quan tâm hơn đến các giống dừa, cũng như công nghệ chế biến sản phẩm dừa. Ngoài ra, dừa tại Long An và Trà Vinh đang ngày càng chứng tỏ được chất lượng. Do đó, vấn đề này cần được tỉnh Bến Tre nghiên cứu, sớm đưa ra giải pháp.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, nêu nhận định tại Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa” (Ảnh: PV) |
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường chia sẻ: Từ khi Bộ NN&PTNT đưa dừa vào danh mục các cây công nghiệp chủ lực đã giúp ngành hàng dừa có sự thay đổi rõ nét. Tuy nhiên, khi các Hiệp định thương mại được ký kết, thuế suất xuất khẩu dừa giảm xuống còn 0% vừa là điều kiện thuận lợi vừa là thách thức nếu chúng ta không có chiến lược cụ thể. Do đó, hiện nay, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chính sách phát triển ngành dừa, các địa phương cần tận dụng các chính sách này để hỗ trợ hoạt động sản xuất của người dân. Về phía các doanh nghiệp Việt, trong nước đã có nguồn nguyên liệu chất lượng cao thì phải có chiến lược nâng giá bán sản phẩm ở các thị trường, để lấy phần gia tăng đó quay trở lại hỗ trợ giá mua cho người dân, thay vì tìm cách thu mua nguyên liệu giá rẻ và bán giá rẻ như hiện tại.
Dịp này, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre kêu gọi doanh nghiệp xuất khẩu tuân thủ đúng những quy định trong Nghị định thư, từ đó tạo giá trị bền vững cho ngành hàng dừa. Ngoài những quy định xuất khẩu, ông Tuấn bày tỏ sự băn khoăn về các thống kê liên quan tới ngành hàng dừa. Dù đây được xem là mặt hàng “tỷ đô” nhưng có vẻ như số liệu chưa thật sự đồng bộ, mang tính định hướng cho người sản xuất. Cùng chuẩn hóa với số liệu, ông Tuấn kiến nghị cơ quan quản lý xem xét việc miễn, giảm thuế đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu dừa, tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp mở rộng sản xuất./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/ket-noi-san-xuat-va-tieu-thu-san-pham-dua-ben-vung-686592.html