Khu vực Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa. Đây được xem là vùng kinh tế có ý nghĩa chiến lược của Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng; là cầu nối quan trọng, gắn kết các Vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung và Bắc Bộ; có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, văn hóa, xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, chính quyền các tỉnh Bắc Trung Bộ đã phối hợp với Bộ Công thương tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án xúc tiến thương mại cấp quốc gia, như: Tổ chức đón đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam giao dịch mua hàng với các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ, hoạt động kết nối giao thương với các tỉnh thành trong nước, đẩy mạnh thị trường xuất khẩu các tỉnh trong khu vực…
Việc thực hiện các đề án, chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế thương mại giữa các tỉnh trong vùng với cả nước và nước ngoài; đồng thời, tạo cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng Bắc Trung Bộ; đưa sản phẩm hàng hóa đến gần hơn với người tiêu dùng; tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng, tìm kiếm cơ hội, thị trường, giới thiệu những thành tựu và tiềm năng phát triển kinh tế của khu vực Bắc Trung Bộ, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện, vững chắc về kinh tế – xã hội các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.
Ông Hoàng Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Sở Công thương Thừa Thiên Huế cho biết, hội nghị nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương nhân, hợp tác xã của các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và doanh nghiệp xuất khẩu, nhà phân phối trên cả nước gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường, kết nối cung cầu hàng hóa; tạo cơ hội mở rộng thị trường kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm…
Theo ông Hoàng Ngọc Sơn, Thừa Thiên Huế đang tập trung nguồn lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư, sản xuất các sản phẩm chủ lực; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung, chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu; đổi mới công nghệ thu hoạch, chế biến để nâng cao chuỗi giá trị, sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa có chất lượng, giá trị dinh dưỡng cao phù hợp với xu thế thị hiếu tiêu dùng trong nước, quốc tế…, qua đó, nâng cao giá trị sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, khẳng định thương hiệu sản phẩm nông sản, đặc sản, OCOP của Thừa Thiên Huế với người tiêu dùng, tạo sự phát triển bền vững, ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất, định hướng xuất khẩu trong thời gian tới.
Tại hội nghị, ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) nhận định, đây là hội nghị xúc tiến thương mại quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ nằm trong Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2023 do Bộ Công Thương và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo, các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ phối hợp thực hiện.
Để góp phần phát huy lợi thế của vùng kinh tế miền Trung và Bắc Trung Bộ, hỗ trợ doanh nghiệp khu vực Bắc Trung Bộ nói riêng, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên cả nước nói chung, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành với các địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển thị trường trong nước, quốc tế cho các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, của vùng như nông sản, dược liệu, thực phẩm chế biến và các sản phẩm đặc sản, thủ công mỹ nghệ, công nghiệp.
“Hoạt động này sẽ là cầu nối hiệu quả, là kênh xúc tiến thương mại quan trọng, tạo điều kiện cho các địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã… tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tiếp cận trực tiếp với các đơn vị xuất khẩu, các nhà phân phối hàng hoá trong, ngoài nước; tạo cơ hội giao lưu thương mại; nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp, hợp tác xã tại miền Trung nói riêng và cả nước nói chung”, ông Hoàng Minh Chiến nhấn mạnh.
Tại hội nghị, có 8 nhà phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu ký biên bản hợp tác tiêu thụ sản phẩm của 40 nhà cung cấp khu vực Bắc Trung Bộ.