Tin mới y tế ngày 3/10: Kết nối, chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe của người lái xe
Tại dự thảo mới về sức khoẻ người lái xe, Bộ Y tế đề xuất các quy định về việc khám sức khỏe người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng, trong đó có việc kết nối, chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe của người lái xe.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, từ năm 2015 đến nay sức khỏe, thể lực người Việt Nam hầu như không có sự thay đổi lớn, do đó các tiêu chuẩn, tiêu chí liên quan đến sức khỏe người lái xe quy định trong dự thảo thông tư lần này về cơ bản được giữ nguyên.
Dự thảo Thông tư này chỉ thay đổi cách nhóm các tiêu chuẩn sức khỏe theo các hạng giấy phép lái xe để phù hợp với quy định mới tại Luật Trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời, bổ sung các quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.
Ảnh minh họa |
Theo TS. Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), dự thảo thông tư quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô; cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.
Cụ thể, tại khoản 2, điều 59 luật này quy định người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải bảo đảm điều kiện sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển.
Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ôtô; xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.
Thông tư áp dụng đối với người lái xe; người điều khiển xe máy chuyên dùng; người sử dụng lao động lái xe ôtô; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thực hiện khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo đó, tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được chia theo 3 nhóm tiêu chuẩn, cụ thể: Nhóm 1: Áp dụng với giấy phép lái xe hạng A1, B1, Người điều khiển xe máy chuyên dùng; Nhóm 2: Áp dụng với giấy phép lái hạng A, B; Nhóm 3: Áp dụng với giấy phép lái hạng C1,C,D1,D2,D,BE,C1E, CE, D1E, D2E, DE.
Theo TS.Dương, tại dự thảo mới nhất này cho biết, theo Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ năm 2024, hạng A1 được cấp cho người lái xe mô tô 2 bánh có dung tích xi-lanh đến 125cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11W thuộc nhóm 1; trong khi theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định hạng A1 được cấp cho người lái xe mô tô 2 bánh có dung tích xi-lanh từ 50-175cm3, thuộc nhóm 1
Hạng A hạng A1 được cấp cho người lái xe mô tô 2 bánh có dung tích xi-lanh trên 125cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11W và các loại xe quy định có giấy phép lái xe hạng A1 thuộc nhóm 2; trong khi theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định hạng A2 được cấp cho người lái xe mô tô 2 bánh có dung tích xi-lanh từ 175cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 thuốc nhóm 3.
Tại dự thảo mới nhất này, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ôtô hầu như được giữ nguyên do với quy định hiện hành.
Theo đó, trách nhiệm của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng là cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, tật của bản thân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp khi khám sức khỏe.
Tuân thủ các hướng dẫn, chỉ định của nhân viên y tế trong quá trình thực hiện khám sức khỏe. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, sau khi bị tai nạn, tai nạn lao động có ảnh hưởng đến khả năng lái xe.
Người hành nghề lái xe ôtô phải chấp hành yêu cầu khám sức khỏe định kỳ, đột xuất của người sử dụng lao động hoặc cơ quan quản lý nhà nước về y tế hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Người hành nghề lái xe ôtô tự do phải chấp hành yêu cầu khám sức khỏe định kỳ theo quy định của Luật an toàn vệ sinh lao động hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về y tế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo đại diện Bộ Y tế, so với quy định tại thông tư 24, quy định này hầu như không thay đổi. Xét nghiệm ma túy khi khám sức khỏe người lái xe
So với thảo trước đó, tại Dự thảo mới nhất này, các chuyên gia thống nhất giữ nguyên nội dung xét nghiệm ma túy trong mẫu giấy khám sức khỏe và đề xuất bác sĩ là người được chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn với người khám sức khỏe lái xe.
Trước đó, theo mẫu giấy khám sức khỏe người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng, Bộ Y tế đề xuất bỏ nội dung bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn và ma túy.
TP.HCM: Số ca mắc sởi giảm chậm
Đến hết ngày 30/9/2024, TP đã cơ bản hoàn thành mục tiêu của chiến dịch tiêm vắc-xin sởi khi tỷ lệ bao phủ đủ 2 mũi vắc-xin sởi cho trẻ 1- 5 tuổi đã đạt 95,09% (430.979/453.247 trẻ, bao gồm cả những trẻ đã tiêm đủ 2 mũi sởi trước chiến dịch). Với kết quả này sẽ giúp dịch sởi ở Thành phố được kiểm soát, khó có khả năng bùng phát thành dịch lớn.
Để đạt được kết quả như trên đó là sự nỗ lực của toàn ngành y tế, ngành giáo dục, UBND các quận huyện, Thành phố Thủ đức cùng các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương. Công tác rà soát trẻ, truyền thông, tổ chức điểm tiêm an toàn đã được triển khai nghiêm túc và liên tục trong suốt 1 tháng qua.
Ngoài ra, chiến dịch tiêm vắc-xin sởi lần này cũng đã huy động sự tham gia của hệ thống tiêm chủng tư nhân, giúp gia tăng số điểm tiêm, tạo thêm sự thuận lợi cho các bậc phụ huynh dễ dàng cho trẻ đi tiêm, kể cả ngày lễ, ngày nghỉ.
Sau 1 tháng triển khai chiến dịch tiêm xin vắc-xin sởi, tính đến hết ngày 30/9/2024 tổng số mũi tiêm đạt được là 204.423 mũi (bao gồm 42.049 mũi trẻ 1-5 tuổi, 140.886 mũi ở trẻ 6-10 tuổi và 21.488 mũi cho đối tượng khác), với 1.284 điểm tiêm khắp các địa phương trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, một nghiên cứu khảo sát mới đây của HCDC từ 504 trẻ từ 1-5 tuổi ở những địa phương được xem là có lượng lớn người nhập cư cao như Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn, Thủ Đức và Quận 12 cho thấy trong 504 trẻ thì có đến 31% trẻ đang sinh sống thực tế trên địa bàn nhưng đăng ký trên Hệ thống ở nơi khác (16% trẻ nhập trên Hệ thống ở tỉnh và 15% trẻ ở quận huyện, phường, xã khác của Thành phố).
Như vậy, nếu chỉ thực hiện rà soát mời tiêm trên Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia thì sẽ bỏ sót khoảng 30% trẻ thực sự có mặt trên địa bàn.
Kết quả khảo sát ghi nhận trong 504 trẻ thì có 135 trẻ thuộc đối tượng tiêm chủng trong chiến dịch này (do chưa tiêm đủ 2 mũi trước ngày 31/8).
Tuy nhiên, hiện chỉ có 54% trẻ được tiêm chủng trong thời gian từ 31/8 đến 30/9. Kết quả này phản ánh thực tiễn dù thống kê trên Hệ thống, Thành phố đã đạt được độ bao phủ vắc-xin sởi nhưng do tình hình di biến động dân cư thì vẫn còn những trẻ chưa được tiêm bù vắc-xin trong cộng đồng.
Do đó tỷ lệ bao phủ vắc-xin trên thực tế chưa đạt ngưỡng bảo vệ là 95%. Điều này lý giải việc có thể không bùng phát dịch sởi lớn tại Thành phố nhưng số ca mắc sẽ giảm chậm và có thể xuất hiện chùm ca bệnh ở nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Thực tế trong tuần 39, Thành phố đã ghi nhận 111 ca sởi tại TP.HCM, tăng 25,8% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca mắc tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 39 là 846 ca.
Bên cạnh đó, số ca bệnh từ 9 tháng đến 12 tháng tuổi không giảm trong các tuần qua và hầu hết các trẻ này đều chưa được tiêm chủng dù đây là nhóm tuổi bắt buộc phải tiêm vắc-xin sởi mũi thứ nhất.
Trước tình hình này, Sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để phát hiện trẻ mới di biến động, cập nhật danh sách và mời trẻ tiêm; không để sót trẻ chưa tiêm trên địa bàn.
Tăng cường tuyên truyền, vận động các gia đình có trẻ đủ 9 tháng tuổi cần khẩn trương đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm chủng mở rộng, không trì hoãn vì bất cứ lý do gì ngoài các chỉ định của nhân viên y tế.
Tiếp tục truyền thông đến các gia định có trẻ từ 1 – 10 tuổi (không phân biệt thường trú, tạm trú), nếu chưa tiêm đủ mũi cần chủ động liên hệ trạm y tế nơi cư trú hoặc trường học và cơ sở tư nhân để biết lịch tiêm chủng và đưa trẻ đi tiêm ngay.
Cảnh báo tình trạng sử dụng rượu ngâm không rõ nguồn gốc
Dù đã được chuyên gia y tế cảnh báo tác hại của một số loại rượu ngâm không rõ nguồn gốc, nhiều người vẫn mua sử dụng. Thời gian qua, có không ít trường hợp bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu, thậm chí tử vong khi sử dụng các loại rượu ngâm này.
TS.Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vừa qua cơ sở tiếp nhận 4 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngộ độc methanol, biểu hiện đau đầu, nhìn mờ, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, nồng độ methanol trong máu cao, tổn thương mắt, có nguy cơ tổn thương não.
Kết quả xét nghiệm mẫu rượu cho thấy, nồng độ cồn công nghiệp methanol là 34%. Trong khi đó với loại rượu thông thường nồng độ ethanol chỉ có 14%.
Trong số các bệnh nhân này, có người sẽ được điều trị khỏi. Tuy nhiên, thời gian sau có thể gặp phải những di chứng về thần kinh. Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều trường hợp không có biểu hiện ngộ độc nhưng nồng độ methanol trong máu rất cao. Nếu người dân không được điều trị sẽ nhanh chóng bị giảm thị lực, ảnh hưởng não.
Theo TS.Nguyễn Trung Nguyên, nhiều người cứ nghĩ ngâm các dược liệu hay động vật là rượu thuốc nhưng thực tế nếu là thuốc chữa bệnh phải có đơn của thầy thuốc.
Việc mỗi người dễ dãi sử dụng dược liệu mà không tính toán được liều lượng cụ thể, không biết rõ các thành phần có thể gây ra tác dụng có hại cho loại rượu này, người uống có thể gặp những tổn thương, nhiễm độc, ngộ độc nặng nề…
Có nhiều người ngâm những loại có độc tính cao, thậm chí có cả lá ngón… chắc chắn sẽ gây ra tình trạng loạn nhịp tim, liệt, tím tái, có thể tử vong.
Do đó, việc ngâm hàm lượng bao nhiêu, sử dụng như thế nào cần có sự tư vấn của bác sỹ. Nếu chúng ta sử dụng vô tư, thoải mái như hiện nay thì rất dễ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc rượu ngâm các loại cây, quả rừng, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, tuyệt đối không sử dụng các loại rượu ngâm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Nếu trẻ uống nhầm rượu hoặc thức uống có hại, người nhà cần tìm cách để trẻ nôn hết sau đó, nhanh chóng đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-310-ket-noi-chia-se-du-lieu-kham-suc-khoe-cua-nguoi-lai-xe-d226449.html