Kết nghĩa bản – bản đã và đang tạo cầu nối vững chắc, gắn kết lòng dân nơi biên giới Việt – Lào. Nhờ mô hình này, các bản làng hai bên không chỉ bảo vệ biên cương mà còn cùng nhau phát triển kinh tế và xây dựng quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc.
Người khai sinh mô hình “Kết nghĩa bản – bản”
Đến bây giờ, mỗi khi nhắc lại về ngày 28/4/2005, Thiếu tướng Trần Đình Dũng, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Quảng Trị vẫn còn nhớ như in cảm giác phấn chấn. Đó là ngày bản Ka Tăng (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) chính thức kí kết quy chế hoạt động kết nghĩa bản – bản với bản Densavan (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào).
Ông Dũng kể: “Từ lâu tôi đã luôn tâm niệm, chúng ta không thể nắm tay nhau đứng thành hàng ngang để bảo vệ biên giới mà phải có thế trận lòng dân, biên giới của lòng dân, gắn kết người dân hai nước có chung biên giới, xem biên giới là ngôi nhà chung để cùng vun đắp, bảo vệ”.
Từ suy nghĩ và nhận định đó, năm 1996, ông Dũng cùng các cơ quan chuyên trách nghiên cứu, lập đề án khoa học để tham mưu với tỉnh Quảng Trị và chính quyền các tỉnh phía bạn Lào tổ chức “Kết nghĩa bản – bản” cho các cụm bản giáp biên giới. Sau 9 năm dày công thực hiện, đến năm 2005, đề án khoa học lần đầu tiên đi vào cuộc sống với sự kiện kết nghĩa giữa bản Ka Tăng và bản Densavan.
Thiếu tướng Trần Đình Dũng (bìa trái), nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Quảng Trị hướng dẫn bà con bản Densavan kỹ thuật chăm sóc cây trồng. (Ảnh: Việt Văn) |
Quy chế phối hợp bản – bản gồm 12 nội dung ghi nhớ tuân thủ Hiệp định quy chế biên giới Việt Nam – Lào, pháp luật mỗi nước và phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào dân tộc biên giới. Từ đây, công tác đối ngoại giữa hai quốc gia trở thành những việc rất cụ thể của làng, của xã, của các dòng họ hai bên biên giới.
Ông Hồ Thanh Bình khi đó là Trưởng bản Ka Tăng cho biết, bà con hai bản chủ yếu là người dân tộc Bru – Vân Kiều có truyền thống đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Dù vậy, hai bên vẫn gặp nhiều khó khăn, trở ngại rất khó giải quyết. Một bộ phận người dân 2 bản chưa nêu cao ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc, vẫn còn tình trạng xâm canh, xâm cư; việc phát triển sản xuất của nhân dân phía bạn Lào còn nhiều khó khăn…
Khi có chủ trương tổ chức kết nghĩa giữa 2 bản với nhiều hoạt động và cam kết thực hiện thiết thực, người dân Ka Tăng và Densavan đều đồng thuận và tham gia hưởng ứng. Sau lễ kết nghĩa, định kì 3 tháng 1 lần hai bên luân phiên tổ chức gặp gỡ để trao đổi tình hình. Khi có việc đột xuất, hai bên sẽ cùng thống nhất tìm ra phương án giải quyết. Nhờ vậy, những khó khăn, vướng mắc giữa hai bản gặp phải trước đây dần được giải quyết khá triệt để.
“Từ khi kết nghĩa hai bản, tình trạng xâm canh, xâm cư không còn, người dân qua lại biên giới thăm nhau đều mang theo giấy tờ tùy thân. Chúng tôi còn thường xuyên trao đổi, buôn bán hàng hóa trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Nhận thấy phía bản bạn có nhiều đất trống nhưng chưa khai thác hiệu quả, nhân dân bản Ka Tăng đã hỗ trợ giống cây bời lời, cây tràm, nhiều giống sắn, chuối, máy phát cỏ cầm tay… để bạn đầu tư sản xuất”, ông Bình nói.
Nhân rộng mô hình phát huy hiệu quả
Ông Somtatti Nhavongsa, Trưởng bản Densavan cho biết, sau gần 20 năm kết nghĩa với bản Ka Tăng, cuộc sống của người dân Densavan có nhiều tiến bộ rõ rệt. Từ số cây giống được tặng, người dân bản Densavan tổ chức trồng, chăm sóc và tích cực học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất với người dân bản Ka Tăng. Vừa qua, bản Densavan đã thu hoạch được 4 đợt cây bời lời từ số cây giống bản Ka Tăng tặng và xuất bán, thu về hơn 2 triệu kíp. Nhiều diện tích chuối ở bản cũng đã thu hoạch mang lại nguồn thu nhập khá cho các hộ dân trong bản.
Hai bản thường xuyên thăm hỏi, tặng quà nhân các sự kiện trọng đại của hai nước, hai địa phương như chúc mừng Tết cổ truyền Việt Nam và Tết cổ truyền Bun Pi May, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân, Ngày Quốc tế Phụ nữ… Đồng thời hỗ trợ giúp đỡ nhau phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn.
Ông Somtatti Nhavongsa khẳng định, mô hình kết nghĩa bản – bản là biểu hiện sâu sắc của tình đoàn kết, sự thương yêu và đùm bọc lẫn nhau của nhân dân hai nước. Thông qua hoạt động kết nghĩa, hai bản đã cùng nhau phát huy tinh thần hợp tác cao, không chỉ hỗ trợ nhau tiến bộ mà còn phối hợp chặt chẽ trong việc bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Bản Ka Tăng và Densavan ký biên bản ghi nhớ hoạt động 6 tháng cuối năm 2023. (Ảnh: Mạnh Cường) |
Đại tá Nguyễn Nam Trung, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, tiếp nối sự thành công của cặp bản Ka Tăng – Densavan, đến nay toàn bộ 24/24 cặp bản đối diện hai bên biên giới giữa tỉnh Quảng Trị và Salavan, Savannakhet đã tổ chức kết nghĩa, mang lại nhiều thành công trong công tác bảo vệ biên giới. Điển hình hiệu quả từ mô hình này là bản Ka Tiêng (xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) và bản A Via (Cụm bản La Cồ, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet) vừa kỷ niệm 17 năm kết nghĩa (2007-2024).
Không chỉ trong phạm vi tỉnh Quảng Trị, sau gần 20 năm triển khai, mô hình “Kết nghĩa bản – bản” đã được nhân rộng trên cả nước theo tên gọi mới là “Phong trào kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” với nhiều hình thức phong phú, thành nghệ thuật quân sự, đối ngoại nhân dân trong bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Theo Thiếu tướng Trần Đình Dũng, nhờ sự chung tay, hỗ trợ lẫn nhau từ những người dân sống dọc biên giới, mô hình kết nghĩa đã đem loại nhiều hiệu quả tích cực. Ông hy vọng trong tương lai, “Phong trào kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” sẽ tiếp tục là nền tảng vun đắp quan hệ bền vững Việt Nam – Lào, vì một khu vực biên giới hòa bình, ổn định và phát triển.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/ket-nghia-ban-ban-nen-tang-vun-dap-quan-he-ben-vung-viet-nam-lao-206914.html