ANTD.VN – Bộ Tài chính vừa ban hành kết luận thanh tra chuyên đề bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (bancass) và nội dung liên quan đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, bao gồm Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife và Sunlife.
Tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm năm đầu lên tới 73%
Đối với Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ BIDV , năm 2021, BIDV Metlife triển khai bán bảo hiểm thông qua 01 tổ chức tín dụng là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Doanh thu phí bảo hiểm triển khai bán thông qua BIDV đạt hơn 1.553 tỷ đồng, tương ứng 99,2% tổng doanh thu phí, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới triển khai bán thông qua BIDV đạt hơn 452 tỷ đồng, tương ứng 98,3% tổng doanh thu phí khai thác mới.
Năm 2021, Công ty phát hành mới 21.123 hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) qua kênh bancass, tỷ lệ hủy sau năm thứ nhất là 39,4%.
Còn với Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas, doanh nghiệp này bán bảo hiểm qua Ngân hàng MB và Công ty tài chính MB Shinsei (hay Công ty tài chính M.Credit).
Tổng doanh thu phí bảo hiểm bán qua ngân hàng đạt 4.466 tỉ đồng, tương đương 78% doanh thu phí. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh ngân hàng đạt 2.820,9 tỉ đồng, tương ứng 74% tổng doanh thu phí khai thác mới.
Năm 2021, MB Ageas phát hành mới 66.757 hợp đồng bảo hiểm qua ngân hàng, trong đó tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau năm thứ nhất qua kênh này là 32,4%.
Bộ Tài chính chỉ ra nhiều sai phạm của các doanh nghiệp bán bảo hiểm qua ngân hàng (Ảnh minh họa) |
Tỷ lệ hủy hợp đồng trong năm đầu cao nhất thuộc về Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam. Năm 2021, doanh nghiệp này bán bảo hiểm qua Ngân hàng Á Châu (ACB) và Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) với tổng doanh thu phí bảo hiểm qua kênh ngân hàng đạt 2.038 tỉ đồng, tương ứng 61,26% doanh thu phí; doanh thu khai thác mới qua kênh ngân hàng đạt 1.907,7 tỉ đồng, tương ứng 82,27% (doanh thu phí bảo hiểm qua ACB đạt 1.248,6 tỉ đồng và TPBank là 789,4 tỉ đồng).
Năm 2021, Sun Life phát hành mới 80.117 hợp đồng bảo hiểm qua 2 ngân hàng này, trong đó, tỉ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau thời gian cân nhắc (năm thứ nhất) của hợp đồng bán qua TPB là 73%, còn qua ACB là 39%.
Đối với Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential (Việt Nam), năm 2021, Công ty triển khai bán bảo hiểm thông qua các tổ chức tín dụng (bancass) bao gồm: VIB, MSB, Pvcombank, SeABank, Standard Chartered, Vietbank, United Overseas (UOB), và Ngân hàng Shinhan Việt Nam.
Doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancass đạt hơn 6.184 tỷ đồng, tương ứng 21,48% tổng doanh thu phí; doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh bancass đạt 3.700 tỷ đồng, tương ứng 54,89% tổng doanh thu phí khai thác mới.
Năm 2021, Công ty phát hành mới 94.431 hợp HĐBH qua kênh bancass, tỷ lệ duy trì hợp đồng năm thứ nhất đối với các HĐBH khai thác qua kênh bancass (tính theo phí bảo hiểm) là 59%, tương ứng với tỷ lệ hủy, mất hiệu lực năm thứ nhất là 41%.
Hạch toán thiếu chi phí tính thuế hàng nghìn tỷ đồng
Năm 2021, Prudential hạch toán hơn 740 tỷ đồng vào khoản chi phí liên quan hoạt động bancass và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đó, chi phí hỗ trợ ban đầu, phí hợp tác chi trả cho đại lý tổ chức 44 tỷ đồng; chi phí hỗ trợ tiếp thị chi trả cho ngân hàng 342 tỷ đồng; chi thưởng trực tiếp cho nhân viên ngân hàng để giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm hơn 57 tỷ đồng; chi trả phụ cấp cố định, thưởng cho các đại lý bảo hiểm cá nhân chưa đúng quy định 296 tỷ đồng.
Việc hạch toán các chi phí trên vào các khoản chi phí liên quan hoạt động bancass và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp chưa đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật về thuế.
Tương tự, Bộ Tài chính cũng yêu cầu BIDV Metlife bổ sung hạch toán khoản tiền 174 tỷ đồng chi phí liên quan đến hoạt động bancass để tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021.
Tại Sun Life, doanh nghiệp này cũng hạch toán hơn 600 tỷ đồng chi phí, doanh thu liên quan đến hoạt động bancass là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 chưa đúng quy định.
Ngoài ra, Sun Life còn hạch toán các khoản chi trả hỗ trợ cho ngân hàng vào chi phí được trừ khi tính thuế chưa đúng quy định trong năm 2021, như hạch toán khoản chi phí hỗ trợ tiếp thị cho TPBank 121 tỷ đồng; ACB tổng số 124 tỷ đồng…
Với những vi phạm trên, Bộ Tài chính yêu cầu Bảo hiểm Sun Life Việt Nam phải hạch toán giảm chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 hơn 600 tỷ đồng.
Đối với Bảo hiểm MB Ageas, năm 2021, doanh nghiệp này cũng hạch toán khoản chi phí liên quan đến hoạt động bancass là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không đúng quy định số tiền 5,9 tỷ đồng.
Đối với các vi phạm về thuế, Bộ Tài chính giao Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục Thuế các địa phương (Cục Thuế Hà Nội và Cục thuế TPHCM) đôn đốc, rà soát các doanh nghiệp kê khai, tuân thủ quy định pháp luật về thuế, hóa đơn đối với các khoản chi nêu tại kết luận thanh tra. Từ đó, xử lý hành vi vi phạm hành chính thuế, hóa đơn (nếu có) và hướng dẫn, xử lý các trường hợp tương tự.
Liên quan đến các trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng không thực hiện đúng quy định của Công ty, qua thanh tra chọn mẫu, Bộ Tài chính phát hiện nhiều trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm.
Các vi phạm phổ biến như: chưa thực hiện đúng quy định về thu thập, kê khai thông tin khách hàng do Công ty ban hành; không tuân thủ quy trình khai thác, tư vấn sản phẩm bảo hiểm theo quy định của Công ty; không thực hiện đúng quy định về kê khai, hoàn thiện hồ sơ, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra thông tin trong các tài liệu, hồ sơ yêu cầu bảo hiểm của khách hàng;
Chưa thực hiện đúng quy định về quản lý thu phí bảo hiểm của Công ty; chưa đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, chưa thu thập chính xác thông tin của khách hàng trong quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng theo quy định…