Tin mới y tế ngày 5/10: Kết luận bất ngờ vụ 13 học sinh nghi ngộ độc thực phẩm; Hà Nội triển khai tiêm vắc-xin sởi từ 14/10
Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Quốc gia đã công bố kết quả kiểm nghiệm các mẫu nước ngọt nghi liên quan đến vụ 13 học sinh Trường THCS Bình Minh (Thanh Oai, Hà Nội) nhập viện.
Ngộ độc không phải do nước ngọt
Theo đó, với hai mẫu sản phẩm được chuyển đến, các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh vật (Clositridium perdringens, Coliforms, E.coli, Pseudomanas aeruginosa) đều cho kết quả đạt tiêu chuẩn theo QCVN6-2:2010/BYT và an toàn với người sử dụng.
Vì vậy, xác định nguyên nhân khiến các học sinh nhập viện không phải do ngộ độc sau khi uống nước ngọt.
Ngoài ra, ngày 30-9 (ngày diễn ra vụ nghi ngờ ngộ độc), Trường THCS Bình Minh không tổ chức ăn bán trú, vì vậy nguyên nhân ngộ độc thực phẩm do ăn uống tại trường cũng bị loại trừ.
Theo đại diện Phòng Y tế huyện Thanh Oai, về các triệu chứng đau bụng, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn mà các học sinh gặp phải sau khi uống nước ngọt miễn phí có thể do các em đã uống một lượng lớn nước ngọt.
Chi cục ATVSTP Hà Nội khuyến cáo đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao kiến thức về bảo đảm ATTP cho học sinh. Qua đó, giúp các em biết cách lựa chọn các thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với các quán hàng, thức ăn đường phố không an toàn.
Đồng thời, Chi cục sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cộng đồng, phụ huynh, học sinh về kiến thức việc sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi có biểu hiện nghi ngờ sử dụng thực phẩm không an toàn, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để khám kịp thời.
Hà Nội: Triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi
Tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi, hiệu quả bảo vệ có thể lên đến 98%. Ảnh: VNVC |
Sở Y tế Hà Nội và Sở Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức hội nghị liên ngành về việc triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi trên địa bàn Thành phố năm 2024.
Theo báo cáo tại hội nghị, giai đoạn từ năm 2012 đến 2024, dịch sởi trên địa bàn thành phố ghi nhận gia tăng trong năm 2014 và 2019. Cụ thể, năm 2014, toàn thành phố ghi nhận 1.741 trường hợp mắc sởi, năm 2019 là 1.765 trường hợp. Ngoài ra, số mắc sởi ghi nhận rải rác qua các năm như: 15 ca năm 2020; 2 ca năm 2021; 2022 có 1 ca; 2023 không ghi nhận. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố có 17 trường hợp mắc sởi, 0 tử vong.
Các chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin sởi đã giúp khống chế dịch hiệu quả. Kết quả tiêm chủng vắc-xin sởi đơn và sởi-rubella cho các đối tượng trong diện tiêm chủng năm 2019 đạt 97% đối với mũi 1 và 91% đối với mũi 2. Tương tự, năm 2020 đạt lần lượt là 98% và 95%; 2021 là 95% và 89%; 2022 là 100% và 73%; 2023 là 85% và 91%.
Theo kế hoạch thời gian triển khai tiêm chủng bắt đầu từ ngày 14/10, phạm vi tại tất cả 579 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố. Địa điểm tổ chức tiêm tại trạm y tế; trường mầm non, mẫu giáo, các điểm tiêm chủng lưu động khác tùy thuộc vào tình hình thực tế của địa phương.
Đối tượng được tiêm là trẻ từ 1-5 tuổi đang sống trên địa bàn Hà Nội và các nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi trên địa bàn thành phố chưa được tiêm đủ mũi theo quy định.
Mục tiêu đặt ra là trên 95% trẻ từ 1-5 tuổi đang sống trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin chứa thành phần sởi theo quy định được tiêm 01 mũi vắc-xin phòng bệnh sởi – rubella (MR).
TP. Hồ Chí Minh: 13 quận, huyện đạt tỷ lệ tiêm vắc xin sởi trên 95% cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi
Còn 9 quận, huyện chưa đạt mức an toàn (trên 95%) trong chiến dịch tiêm vắc xin phòng ngừa sởi (tính đến ngày 03/10/2024), đó là: huyện Cần Giờ, quận 3, quận 10, quận 6, quận Tân Phú, quận Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi, quận Bình Thạnh.
Tổng số mũi tiêm vắc xin sởi tích lũy trên địa bàn Thành phố tính đến ngày 03/10/2024 là 209.292 mũi. Trong đó, trẻ từ 1-5 tuổi đã tiêm được 42.977 mũi (đạt 93,37%), trẻ từ 6-10 tuổi là 143.946 mũi (đạt 97,98%). Chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch sởi cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi đạt 97% theo kế hoạch.
Về ca mắc mới, trong ngày 03/10 ghi nhận có 23 ca sốt phát ban nghi sởi được báo cáo (có 03 ca sởi xác định), 11 quận huyện ghi nhận có số ca sốt phát ban nghi sởi là: quận 1 (1 ca), quận 10 (1 ca), quận 11 (1 ca), quận 12 (1 ca), Củ Chi (3 ca), Nhà Bè (1 ca), Tân Bình (1 ca), Tân Phú (2 ca), Bình Chánh (3 ca), Bình Tân (5 ca), TP. Thủ Đức (4 ca).
Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy tính đến ngày 03/10/2024 là 1.193 ca. Các quận, huyện có số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy cao gồm có: Bình Chánh (268 ca), Bình Tân (239 ca) và TP. Thủ Đức (102 ca).
Sở Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, quận 3, quận 10, quận 6, Tân Phú, Bình Tân, Nhà Bè, Củ Chi, Bình Thạnh (chưa đạt tỷ lệ tiêm vắc xin 95%) tăng cường chỉ đạo. đẩy nhanh tiến độ tiêm để đạt mục tiêu của chiến dịch.
Đối với những quận, huyện đã đạt tỷ lệ tiêm vắc xin cho trẻ trên 95% cần duy trì việc cập nhật tình hình trẻ di biến động, tiếp tục tiêm khi phát hiện còn trẻ chưa tiêm đủ mũi.
Quảng Ninh: Thai phụ gần 6 tháng nhập viện do tự uống thuốc phá thai
Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa cấp cứu thành công trường hợp một phụ nữ mang thai thai gần 6 tháng, tự đặt thuốc phá thai trên mạng về uống.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bụng đau dữ dội, ra máu âm đạo nhiều, cổ tử cung mở hết. Khi được hỏi, người phụ nữ chia sẻ khi biết mang thai không đi khám và cũng không nhớ rõ ngày kinh cuối nên không biết thai nhi được bao nhiêu tuần tuổi.
Sau khi nhập viện khoảng 10 phút, sản phụ sinh được một bé gái nặng 550gram. Theo chỉ số cân nặng, các bác sĩ nhận định thai nhi khoảng 22 tuần tuổi. Bé gái chào đời trong tình trạng suy hô hấp nặng.
Các bác sĩ đã khẩn trương cấp cứu cho sản phụ và trẻ sơ sinh tại phòng hồi sức tích cực. Nhưng do sinh quá non và ảnh hưởng từ việc phá thai, chỉ 3 giờ sau sinh, trẻ đã tử vong.
Theo các bác sĩ bệnh viện cho biết: phá thai bằng thuốc sẽ gây ra một số phản ứng mạnh như đau thắt bụng, ra nhiều huyết, vỡ tử cung, khó thở, choáng, tụt huyết áp…
Ngoài ra, thuốc phá thai còn chống chỉ định với những người bị bệnh lý nền tuyến thượng thận, rối loạn đông máu, đang cho con bú, những phụ nữ có vết sẹo cũ ở tử cung, tử cung dị dạng, chửa ngoài dạ con, có tiền sử đã từng dị ứng với bất kỳ loại thuốc trị bệnh nào trước đó…
Khi phát hiện có thai và muốn chấm dứt quá trình thai nghén cần thăm khám, tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa về các biện pháp phá thai an toàn. Việc phá thai bằng thuốc chỉ được thực hiện ở các cơ sở y tế có uy tín và bởi bác sĩ chuyên khoa phụ sản được đào tạo.
Quá trình dùng thuốc phải có hướng dẫn, giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Nhiều người tự mua thuốc về dùng hoặc phá thai tại cơ sở y tế không đủ tiêu chuẩn có thể dẫn đến vỡ tử cung, sót thai, sót nhau thai, gây băng huyết, mất máu dài ngày, nguy cơ nhiễm khuẩn tử cung cao, nguy hiểm đến tính mạng.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-510-ket-luan-bat-ngo-vu-13-hoc-sinh-nghi-ngo-doc-thuc-pham-ha-noi-trien-khai-tiem-vac-xin-soi-tu-1410-d226662.html