Bệnh nhân cho biết bà được chẩn đoán sụp mi mắt phải sau khi tiến hành xạ phẫu u lành màng não vào tháng 6.2024. Tình trạng sụp mi mắt gây ảnh hưởng đến khả năng mở mắt, thị lực và thẩm mỹ, khiến bà gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày.
Ngày 18.9, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Trần Như Thủy (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3) cho biết, qua kiểm tra ghi nhận độ mở khe mi tự nhiên của bệnh nhân 0 mm. Bệnh nhân được điều trị bằng các phương pháp y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại.
Sau 2 đợt điều trị bằng phương pháp hào châm, thủy châm, cứu ấm, xoa bóp day ấn huyệt, và tập vật lý trị liệu, người bệnh có sự cải thiện rõ rệt. Sau đợt điều trị thứ nhất (27 ngày), độ mở khe mi tự nhiên đạt 5 mm. Sau đợt điều trị thứ 2 (19 ngày), độ mở khe mi tự nhiên là 8 mm.
Người bệnh tiếp tục được điều trị tại Khoa Y học cổ truyền của bệnh viện với sự kết hợp các phương pháp như thể châm, laser châm, nhĩ châm, cấy chỉ, cứu ấm, xoa bóp day ấn huyệt, giúp cải thiện tình trạng rõ rệt.
Bác sĩ Như Thủy cho biết, sụp mi mắt sau phẫu thuật u não là tình trạng mà thần kinh III hoặc cơ nâng mi bị tổn thương do hậu quả của quá trình phẫu thuật can thiệp vào khối u trong não. Tình trạng này dẫn đến mi mắt không thể mở hoàn toàn, gây ra những biến chứng ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực và thẩm mỹ của người bệnh. Sau khi phẫu thuật, do sự tác động trực tiếp lên các dây thần kinh hoặc tổn thương ở vùng não điều khiển cơ nâng mi, người bệnh thường gặp phải tình trạng sụp mi.
Triệu chứng phổ biến của sụp mi là mi mắt bị sụp xuống, không thể mở mắt một cách tự nhiên, có thể đi kèm với lác mắt hoặc nhìn đôi. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng nhìn mà còn gây khó khăn trong các hoạt động hằng ngày và thẩm mỹ của người bệnh. Tùy theo mức độ tổn thương, việc điều trị sẽ được chỉ định bằng phẫu thuật hoặc các phương pháp hỗ trợ như châm cứu, xoa bóp… theo y học cổ truyền để giúp cải thiện chức năng cơ nâng mi.
Thời gian vàng trong điều trị sụp mi là từ 3-6 tháng sau khi phát hiện
Bác sĩ Thủy cho biết, tùy theo nguyên nhân do chấn thương hoặc sau phẫu thuật, việc phòng ngừa sụp mi mắt liên quan chặt chẽ đến việc bảo vệ vùng đầu và mắt trong các hoạt động có nguy cơ cao gây tổn thương. Những người làm việc trong các ngành nghề có nguy cơ cao (xây dựng, thể thao đối kháng, lái xe…) nên đeo bảo hộ để tránh va đập mạnh vào vùng mắt và đầu. Ngoài ra, đối với những người đã có tiền sử bệnh lý về mắt hoặc thần kinh, cần kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường và điều trị.
Thời gian vàng trong điều trị sụp mi là từ 3-6 tháng sau khi phát hiện. Trong giai đoạn này, nếu can thiệp kịp thời bằng các phương pháp kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại, đặc biệt là châm cứu, xoa bóp, và cứu ấm, có thể mang lại hiệu quả phục hồi tốt nhất. Sau thời gian này, cơ hội phục hồi sẽ giảm dần và người bệnh có thể phải phẫu thuật để khắc phục tình trạng sụp mi.
“Việc kết hợp điều trị giữa y học cổ truyền và y học hiện đại giúp tăng cường hiệu quả phục hồi và giảm thiểu nguy cơ phẫu thuật. Người bệnh cũng cần tuân thủ theo chỉ dẫn điều trị của bác sĩ, thực hiện đầy đủ các bài tập phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe mắt để nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh”, bác sĩ Thủy khuyến cáo.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ket-hop-y-hoc-co-truyen-va-hien-dai-de-chua-sup-mi-mat-cho-mot-phu-nu-185240918114944044.htm