Chín ngày đêm kéo pháo vào chiến trường phía Tây chuẩn bị đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tới 27/1/1954, trung đoàn Sông Lô nhận lệnh kéo pháo ra.
“Anh em hoang mang hỏi vì sao kéo pháo ra? Nhưng chỉ huy chỉ có ba ý nói với chiến sĩ: Quyết tâm tiêu diệt Trần Đình (bí danh của Điện Biên Phủ), tuyệt đối tin tưởng cấp trên và triệt để chấp hành mệnh lệnh”, đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 209 (Trung đoàn Sông Lô), Đại đoàn 312, kể chuyện 70 năm trước.
Đại tá 96 tuổi trở lại chiến trường xưa dự hội thảo Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, ngày 11/4. Nhắc lại ký ức Điện Biên, ông nhớ đồng đội đoàn Sông Lô anh hùng đã nằm lại chiến trường, nhớ đại tướng Võ Nguyên Giáp – người anh cả của quân đội và thấy mình may mắn “trời còn để có hôm nay” về đây phát biểu đôi lời.
Đoàn Sông Lô nhận lệnh kéo 12 khẩu pháo vào chiến trường bằng tay, sau 9 ngày đêm pháo vào đến trận địa lại nhận lệnh kéo ra. Đường kéo pháo ra bị lộ, bị máy bay Pháp oanh kích suốt ngày đêm. Bộ đội hy sinh, bị thương nhiều, thiệt hại bằng một trận đánh cứ điểm. Cùng lúc quân Pháp rải truyền đơn rêu rao “sẵn sàng nghênh đón” như thách thức quân Việt Minh.
Sau khi bố trí xong trận địa, trước giờ xuất kích chiều 13/3/1954, bộ đội nghe thư Hồ Chủ tịch cổ vũ “các chú thắng to” cùng mệnh lệnh của đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Tinh thần quyết chiến của bộ đội Điện Biên năm ấy như quyết tâm sát Thát của binh sĩ thời Trần diệt quân Nguyên Mông”, ông Tài ví von.
Song những ngày kéo pháo vào ra, đào trận địa, ăn uống thiếu thốn cùng chiến đấu dài ngày khiến sức khỏe chiến sĩ giảm sút. Sau những trận mưa đầu mùa hè rót xuống lòng chảo Điện Biên, chiến hào ngập nước, bộ đội phải lội bùn non. “Những bi quan, tiêu cực đã phần nào ảnh hưởng tới tinh thần chiến đấu”, ông Tài nhìn nhận, nêu biểu hiện của tư tưởng hữu khuynh tiêu cực phổ biến khi ấy là ngại khổ, ngại chiến đấu dài ngày, có người muốn lui phía sau nghỉ ngơi.
Sau hai đợt tiến công, tại hội nghị sơ kết chiến dịch diễn ra ngay trên chiến trường ngày 6/4/1954, không khí “căng thẳng nhưng rất sòng phẳng”. Các chỉ huy nhận ưu khuyết điểm trên tinh thần trách nhiệm với bộ đội.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phân tích khuyết điểm một số đơn vị trong các trận đánh trên cao điểm phía Đông, “không phải do cán bộ chưa có kinh nghiệm mà là không triệt để chấp hành mệnh lệnh”. Đảng ủy Mặt trận nhận định tư tưởng hữu khuynh tiêu cực nếu không giải quyết sớm sẽ gây nguy cơ đến toàn cục.
Ngoài chỉnh đốn tư tưởng, các chỉ huy giao nhiệm vụ tới từng đơn vị củng cố trận địa, đánh lấn, đào hào cắt sân bay, dặn dò chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần để bộ đội chiến đấu dài ngày. Ông Tài thấy rõ trên gương mặt các vị chỉ huy dày dạn kinh nghiệm chiến trường năm ấy sự hốc hác vì thiếu ngủ, hằn vết lo âu.
Sau hội nghị, các đợt chỉnh quân, sinh hoạt chính trị diễn ra thường xuyên ở đơn vị giúp nâng cao sĩ khí toàn quân trước đợt đánh lớn cuối cùng, cho tới ngày toàn thắng 7/5/1954.
Ông Tài đánh giá bài học chống tư tưởng hữu khuynh trên mặt trận cùng với quyết định chuyển hướng đánh nhanh sang đánh chắc là hai yếu tố then chốt đảm bảo thắng lợi trên chiến trường. Bài học đó ông cùng đồng đội khắc ghi suốt đời, mang theo cả vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
70 năm nhìn lại, chiến thắng Điện Biên cùng Bạch Đằng, Chi Lăng… khắc những mốc son trong tiến trình bảo vệ Tổ quốc. Với đại tá Tài, đó là sự vẻ vang suốt đời quân ngũ. “Có câu người lính già đầu bạc/Kể mãi chuyện Nguyên Phong. Còn tôi, một người lính già đầu bạc, xin kể mãi chuyện Điện Biên”, ông nói trong tràng vỗ tay vang dội khắp hội trường 500 đại biểu ngồi kín chỗ.
Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son trong lịch sử dân tộc, sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị thế giới những năm 50 của thế kỷ trước. Độ lùi 70 năm giúp thế hệ sau có điều kiện nhận thức đầy đủ hơn về tầm vóc, sức lan tỏa của sự kiện cũng như bài học trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đây là dịp tri ân, tưởng nhớ đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Bế mạc hội nghị kéo dài hơn ba tiếng với 7 tham luận, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết Ban tổ chức nhận hơn 100 báo cáo tham luận với nhiều nội dung có giá trị. Song thời gian lùi xa, chiến tranh kéo dài khiến việc lưu trữ gặp khó khăn, nhiều tư liệu chưa được thu thập đầy đủ. Nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia chiến dịch phần lớn không còn, một phần lão thành sức khỏe giảm sút nên không thể có mặt tại đây.
Ông mong sau hội thảo, các chuyên gia sẽ tiếp tục sưu tầm, cung cấp thêm tư liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ, góp bài học lý luận lẫn thực tiễn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay.
Hoàng Phương – Vnexpress.net