Quảng Nam có 194 xã xây dựng nông thôn mới. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2025 toàn tỉnh có ít nhất 155 xã đạt chuẩn. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không tập trung huy động nguồn lực đầu tư và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh thì không dễ hoàn thành mục tiêu trên.
Trong 194 xã thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM), đến cuối năm 2020 toàn tỉnh có 113 xã được công nhận đạt chuẩn. Theo kế hoạch, Quảng Nam phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 155 xã đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 80%. Như vậy, từ năm 2021 – 2025, phải có thêm 42 xã cán đích NTM thì mới đảm bảo hoàn thành mục tiêu. Thế nhưng, hiện nay chỉ có 38 xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM, thiếu 4 xã so với yêu cầu.
Cần nói thêm, trong 38 xã đăng ký đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 – 2025, có 14 xã miền núi cao thuộc khu vực đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, bộ tiêu chí NTM giai đoạn này tương đối cao so với mặt bằng của hầu hết xã miền núi cao nên rất khó trong thực hiện, nhất là tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 11 về nghèo đa chiều, tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.
Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho hay, trong 118 xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011 – 2021 thì có đến 98 xã không duy trì chuẩn theo bộ tiêu chí giai đoạn 2022 – 2025 tại Quyết định số 2072 (ngày 9/8/2022) của UBND tỉnh. Những tiêu chí chưa duy trì chuẩn NTM chủ yếu rơi vào các tiêu chí có nhiều chỉ tiêu tăng thêm.
Trong 19 tiêu chí theo bộ tiêu chí mới, chỉ có 2 tiêu chí đảm bảo duy trì chuẩn là tiêu chí số 3 về thủy lợi – phòng chống thiên tai và tiêu chí số 4 về điện, còn lại 17 tiêu chí chưa đảm bảo duy trì chuẩn theo quy định. Ở nhiều địa phương, một số tiêu chí về hạ tầng đã đạt chuẩn nhưng còn thiếu nguồn lực để duy tu, bảo dưỡng. Kinh phí tỉnh hỗ trợ cho mỗi xã 500 triệu đồng/năm để duy trì chuẩn không đủ thực hiện.
“Nguồn vốn hỗ trợ xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 chưa đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhất là mục tiêu của xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu chưa bố trí kinh phí. Đối với các huyện miền núi cao, việc lồng ghép nguồn vốn từ chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được quan tâm đúng mức, chưa thật sự gắn với các tiêu chí NTM để đảm bảo đạt chuẩn theo lộ trình đề ra” – ông Tấn nói.
Ông Ngô Tấn cho biết, theo quy định của Trung ương, hiện nay Quảng Nam có 10 xã miền núi cao, gồm xã Ba, Tư (Đông Giang), A Tiêng, A Nông, Lăng (Tây Giang), Trà Dương, Trà Tân, Trà Đông (Bắc Trà My), Trà Mai (Nam Trà My), Phước Xuân (Phước Sơn), khi đạt chuẩn NTM sẽ đánh giá duy trì, nâng chuẩn theo chuẩn của xã đồng bằng (khu vực 2) nên rất khó cho các địa phương này, nhất là đối với 2 tiêu chí về thu nhập và nghèo đa chiều.
Vấn đề đáng quan tâm nữa là các xã miền núi cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn, khi đạt chuẩn NTM sẽ mất hết các chế độ an sinh xã hội như bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh và chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức.
Trong khi điều kiện chung vẫn còn lắm khó khăn nên nhiều xã có tâm lý e ngại đạt chuẩn NTM. Do vậy, giai đoạn 2021 – 2025 nhiều địa phương miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM, dẫn đến tỉnh khó thực hiện đạt mục tiêu do trung ương giao là đến cuối năm 2025 có ít nhất 80% số xã cán đích NTM…