(MPI) – Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1161/QĐ-TTg ngày 11/10/2024 đưa ra mục tiêu xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của quy hoạch đã đề ra. Xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh việc chuyển đổi và phát triển của các ngành, các tiểu vùng, các địa phương trong vùng theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Thiết lập khung kết quả thực hiện theo từng giai đoạn làm cơ sở để rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch; xem xét điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra.
Kế hoạch nêu rõ yêu cầu là phải đảm bảo tính tuân thủ, tính kế thừa các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện quy hoạch cấp quốc gia, kế hoạch đầu tư công đã được phê duyệt; đảm bảo tính liên kết, thống nhất, không chồng lấn, mâu thuẫn giữa các nhiệm vụ, chương trình, dự án của các ngành, các địa phương.
Đảm bảo tính khả thi, linh hoạt, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và bối cảnh hội nhập quốc tế. Huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để vùng trung du và miền núi phía Bắc trở thành vùng phát triển nhanh và bền vững, trong đó đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn; kết hợp hài hòa giữa các nguồn lực, đầu tư công có tính dẫn dắt tăng trưởng nguồn vốn đầu tư xã hội để tạo ra sự phát triển đột phá, thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình phát triển của các ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ và địa phương theo hướng giá trị cao và hiệu quả cao.
Đề cao tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt của các địa phương trong triển khai thực hiện; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, cảng hàng không, sân bay, cấp nước, giáo dục, y tế.
Kế hoạch đã đưa ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, về tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, Quyết định nêu rõ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối với Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, tiểu vùng Bắc Trung Bộ và với Trung Quốc, Lào; trước hết tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông để phát triển các hành lang kinh tế gắn với thành phố Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng như Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn – Cao Bằng, Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên, Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn, Hà Nội – Tuyên Quang – Hà Giang, Phú Thọ – Vĩnh Phúc – Hà Nội – Hưng Yên – Hải Dương – Hải Phòng, Hà Nội – Phú Thọ – Tuyên Quang – Bắc Kạn – Cao Bằng. Đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị và khởi công xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn – Hà Nội, Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Xây dựng, nâng cấp hạ tầng logistics, hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu, các khu du lịch, hạ tầng thông tin, truyền thông và hạ tầng kinh tế số.
Tập trung phát triển khu vực động lực, các cực tăng trưởng, các hành lang kinh tế quan trọng, các ngành kinh tế có lợi thế. Phát triển vành đai công nghiệp – đô thị – dịch vụ, hình thành các cụm liên kết ngành, các chuỗi sản phẩm của vùng tập trung chủ yếu tại Bắc Giang – Thái Nguyên – Phú Thọ – Hòa Bình; các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của vùng như trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao tại Thái Nguyên và Bắc Giang, trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp tại Sơn La, trung tâm sản xuất và chế biến gỗ tại Tuyên Quang, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc tại Lào Cai. Phát triển các cực tăng trưởng của vùng tại Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Phú Thọ. Đẩy mạnh phát triển các chuỗi sản phẩm nông nghiệp, du lịch đặc trưng và kinh tế cửa khẩu.
Tập trung phát triển hệ thống 05 khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn gồm: Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang; khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng; khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn; khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, tỉnh Lai Châu; khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư, hoàn thiện và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng tại khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng, khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai. Phát triển 3 cửa khẩu áp dụng chính sách khu kinh tế cửa khẩu biên giới gồm: Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập, tỉnh Sơn La; cửa khẩu Chiềng Khương, tỉnh Sơn La; cửa khẩu quốc tế Tây Trang, tỉnh Điện Biên. Nghiên cứu khả năng hình thành khu kinh tế cửa khẩu tại cửa khẩu U Ma Tu Khoòng, tỉnh Lai Châu.
Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là giáo dục nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng với nhu cầu của từng tiểu vùng, từng khu vực; chú trọng thu hút, sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ tại chỗ. Thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 gắn với đẩy mạnh thông tin thị trường lao động. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chính sách quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp.
Thái Nguyên phát triển là khu vực nghiên cứu – đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao cho toàn vùng. Từng bước chuẩn bị điều kiện để phát triển Trường Đại học Tây Bắc (Sơn La) thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của vùng; Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang (Bắc Giang); Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của tiểu vùng khi có điều kiện về nguồn vốn, trong đó ưu tiên đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, nghiên cứu – quảng bá – bảo tồn văn hóa, lịch sử và lối sống của cộng đồng dân tộc. Nghiên cứu tiềm năng phát triển các trường đại học cấp tiểu vùng tại Điện Biên và Lai Châu…
Cùng với đó là tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng và hợp tác quốc tế. Thực hiện thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới, đặc thù trong phát triển vùng, đặc biệt là đối với các địa bàn, khu vực giữ vai trò quan trọng về bảo vệ rừng, an ninh biên giới, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng. Bảo vệ nghiêm ngặt nước đầu nguồn, thực hiện thí điểm cơ chế chia sẻ nguồn nước giữa các ngành trong vùng, giữa vùng với vùng đồng bằng sông Hồng; nâng cao năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường cho các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc từ nay đến năm 2030. Đầu tư xây dựng các công trình tạo nguồn cấp nước, chuyển nước quy mô liên vùng, liên tỉnh.
Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện kết hợp phát triển kinh tế – xã hội gắn với củng cố, tăng cường thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ; quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trên địa bàn vùng. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phát triển kinh tế – xã hội phải kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Tuyên truyền vận động người dân tuân thủ các quy định của Nhà nước trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Tăng cường giáo dục quốc phòng, an ninh, xây dựng cơ sở vững mạnh, toàn diện, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc…
Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tới các cơ quan, tổ chức liên quan, nhà đầu tư, đối tác phát triển trong nước và quốc tế nhằm huy động nguồn lực thực hiện các mục tiêu quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương có liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo định kỳ hằng năm và 05 năm về kết quả thực hiện Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các địa phương vùng trung du và miền núi phía Bắc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền và người dân hiểu đúng và đầy đủ về nội dung Quy hoạch vùng và Kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch ngay sau khi quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gắn với việc triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm và hằng năm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và Kế hoạch đầu tư công hằng năm của địa phương.
Chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc xây dựng phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai cho các chương trình, dự án; chủ trì thực hiện việc giải phóng mặt bằng để thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn theo chức năng quản lý. Phối hợp và triển khai đồng bộ các dự án có tính chất liên vùng, liên tỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của vùng./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-10-14/Ke-hoach-thuc-hien-Quy-hoach-vung-Trung-du-va-mienyha1nk.aspx