(Chinhphu.vn) – Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 24/4/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, xác định các danh mục dự án cụ thể, xác định tiến độ thực hiện các chương trình, dự án theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030; xác định phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc triển khai thực hiện.
Định hướng cho các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy hoạch trong từng giai đoạn.
Quyết định nêu: Quy hoạch năng lượng quốc gia bao gồm các phân ngành: dầu khí, than, điện, năng lượng mới và tái tạo với các nhiệm vụ từ điều tra cơ bản, tìm kiếm thăm dò, khai thác, sản xuất, tồn trữ, phân phối đến sử dụng và các hoạt động khác có liên quan.
Các quy hoạch thuộc lĩnh vực năng lượng tại Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 2/12/2019 của Chính phủ được tích hợp vào Quy hoạch năng lượng quốc gia bao gồm Quy hoạch phát triển ngành dầu khí, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí, Quy hoạch phát triển ngành than, Quy hoạch năng lượng tái tạo sẽ không được tiếp tục thực hiện như quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch.
– Phân ngành dầu khí: Phân ngành dầu khí bao gồm các lĩnh vực sau: (i) tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; (ii) công nghiệp khí; (iii) chế biến dầu khí; (iv) vận chuyển, tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí.
– Phân ngành than: Phân ngành than bao gồm các đề án/dự án về: (i) thăm dò than; (ii) khai thác than; (iii) sàng tuyển, chế biến than; (iv) hạ tầng phục vụ phát triển ngành than (bao gồm cảng xuất, nhập than và các dự án hạ tầng khác); (v) đóng cửa mỏ.
– Phân ngành năng lượng mới và tái tạo: Phân ngành năng lượng mới và tái tạo gồm các lĩnh vực sau: (i) năng lượng gió; (ii) năng lượng mặt trời; (iii) năng lượng sinh khối, nhiên liệu sinh học, khí sinh học; (iv) năng lượng chất thải rắn; (v) thủy điện nhỏ; (vi) năng lượng tái tạo khác (thủy triều, sóng biển, địa nhiệt); (vii) năng lượng mới (hydro, amoniac, các nhiên liệu có nguồn gốc từ hydro, nhiên liệu tổng hợp…).
Định hướng phát triển mạnh điện gió ngoài khơi kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác (điện mặt trời, điện gió trên bờ,…) để sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh,…) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu được ưu tiên/cho phép phát triển không giới hạn trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một ngành kinh tế mới của đất nước.
– Phân ngành điện: Phân ngành điện thực hiện theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quyết định cũng ban hành Danh mục dự án và tiến độ cụ thể đối với các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực năng lượng; Danh mục các dự án quan trọng có tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng và Danh mục các dự án khác (ngoài các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư).
Dự kiến nhu cầu sử dụng đất, vốn đầu tư
Nhu cầu đất cho phát triển cơ sở và kết cấu hạ tầng ngành năng lượng khoảng 93,54 – 97,24 nghìn ha trong giai đoạn 2021 – 2030 và định hướng khoảng 171,41 – 196,76 nghìn ha giai đoạn 2031 – 2050. Diện tích mặt biển cho các công trình ngoài khơi, đến năm 2030 ước tính khoảng 334.800 ha, đến năm 2050 khoảng 1.302.000 – 1.701.900 ha.
Quyết định nêu rõ toàn bộ vốn đầu tư cho các dự án ngành năng lượng sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công. Tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 – 2030 khoảng 4.133 – 4.808 nghìn tỷ đồng. Phân kỳ đầu tư các giai đoạn như sau: Giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 1.640 – 1.887 nghìn tỷ đồng; Giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 2.493 – 2.921 nghìn tỷ đồng.
Các đề án về hoàn thiện chính sách pháp luật và tăng cường năng lực của ngành điện sử dụng nguồn vốn đầu tư công (theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Xây dựng chính sách đầu tư, phát triển ngành năng lượng cân đối và bền vững
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức thực hiện Kế hoạch hiệu quả tuân thủ theo đúng quy định của Luật Quy hoạch và pháp luật có liên quan, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho phát triển kinh tế – xã hội.
Xây dựng cơ sở dữ liệu năng lượng, bao gồm dữ liệu về quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch để làm cơ sở giám sát tình hình thực hiện quy hoạch. Thường xuyên rà soát tình hình phát triển cung cầu năng lượng, tiến độ thực hiện các dự án năng lượng để đề xuất các giải pháp điều chỉnh cung ứng năng lượng, tiến độ nêu cần thiết, đảm bảo cung cầu năng lượng của nền kinh tế. Cung cấp các dữ liệu Quy hoạch năng lượng quốc gia phục vụ xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.
Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về các phân ngành năng lượng (dầu khí, than, điện lực, năng lượng tái tạo) nhằm tạo thuận lợi cho phát triển năng lượng.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, đảm bảo nguyên tắc: Đối với các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc đã quyết định đầu tư nhưng nếu đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, thi hành bản án (nếu có) thì chỉ được tiếp tục triển khai thực hiện sau khi đã thực hiện đầy đủ theo các kết luận của thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán và thi hành bản án (nếu có) và phải được cấp thẩm quyền chấp thuận theo quy định của pháp luật.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài, vốn ODA và vốn đầu tư tư nhân cho phát triển ngành năng lượng đồng bộ, cân đối và bền vững…
Vũ Phương Nhi – Cổng TTĐT Chính phủ