(MPI) – Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 14/01/2025 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh minh họa. |
Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, yêu cầu đặt ra là đảm bảo tính tuân thủ, tính kế thừa các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, kế hoạch đầu tư công đã được phê duyệt; đảm bảo tính liên kết, thống nhất giữa các nhiệm vụ, chương trình, dự án của các ngành, các địa phương.
Đảm bảo tính khả thi, linh hoạt, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bối cảnh hội nhập quốc tế và thực tiễn tại địa phương.
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực theo phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu, “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để tạo đột phá thu hút vốn đầu tư trong phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể.
Phát triển 4 lĩnh vực tạo đột phá, 5 ngành trọng điểm, 4 hành lang động lực phát triển kinh tế
Về triển khai thực hiện các dự án theo Quy hoạch tỉnh, đối với các dự án đầu tư công: tỉnh Quảng Trị sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng từ các dự án đã và đang thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công nhằm phát huy hiệu quả công trình, dự án mang lại; lấy đầu tư công kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội.
Ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng; hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp; hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội, khoa học và công nghệ; hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là các đô thị động lực đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả.
Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều, cấp nước, xử lý rác thải, nước thải, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới của tỉnh.
Đối với các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công: Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của các công trình hạ tầng đã và đang được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công. Đẩy mạnh thu hút đầu tư mở rộng, nâng cao năng suất, hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh;
Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư bao gồm: Phát triển 4 lĩnh vực tạo đột phá: Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, cải cách thủ tục thẩm định phê duyệt các dự án đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện chuyển đổi số.
Phát triển 5 ngành trọng điểm: Năng lượng tái tạo; du lịch; dịch vụ logistic; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp hàng hóa, áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến.
Phát triển 4 hành lang động lực phát triển kinh tế: Hành lang kinh tế trung tâm – từ hai bên quốc lộ 1 đến hai bên đường bộ cao tốc; hành lang kinh tế ven biển; hành lang Đông – Tây kết nối quốc tế với Lào, Thái Lan và tiểu vùng sông Mê Kông; hành lang kinh tế biên giới. Trong đó, hành lang kinh tế trung tâm và hành lang kinh tế ven biển đóng vai trò động lực phát triển chính.
Về nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực để thực hiện quy hoạch, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm là 8,2% trong thời kỳ 2021 – 2030, dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 434,056 nghìn tỷ đồng.
07 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Kế hoạch đề ra 07 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, bao gồm: Về thu hút đầu tư phát triển; về phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học và công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội; về bảo vệ môi trường; bảo đảm nguồn lực tài chính; bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trong đó, để thu hút đầu tư phát triển, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, ưu tiên các dự án trọng điểm, dự án có tính chất liên kết vùng, tạo động lực phát triển.
Thực hiện các chính sách thu hút đầu tư dưới nhiều hình thức, huy động các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào xây dựng hạ tầng, vào các dự án về năng lượng và các dự án động lực, công trình giao thông trọng điểm, phát triển văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa.
Khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu tốt, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh triển khai thực hiện các dự án đầu tư ở những quy mô khác nhau.
Huy động nguồn lực từ tài chính, đất đai để phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đẩy mạnh việc sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất là tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để bố trí, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, có hiệu quả; đồng thời, khai thác nguồn lực tài chính từ quỹ đất dôi dư, không có nhu cầu sử dụng để phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Về phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước để đáp ứng nhu cầu đổi mới phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.
Mở rộng mạng lưới đào tạo nghề và thay đổi cơ cấu đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề theo hướng xã hội hóa, đa dạng hóa hình thức đào tạo, linh hoạt và thiết thực. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động có cơ hội học nghề, tìm kiếm việc làm. Tăng cường việc liên kết đào tạo nghề, đào tạo chuyên nghiệp với các cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng tốt trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; quy hoạch phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của các khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông, Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ. Phân khu phục hồi sinh thái, dịch vụ hành chính, vùng đệm của các khu bảo tồn thiên nhiên; Khu bảo vệ cảnh quan Rú Lịnh, rừng đặc dụng Cồn Cỏ; hành lang đa dạng sinh học kết nối Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và Bắc Hướng Hóa; nâng cấp 02 Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa và Đakrông thành vườn quốc gia; quy hoạch chuyển tiếp Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, Khu bảo vệ cảnh quan Rú Lịnh. Duy trì và phát triển mạng lưới quan trắc, giám sát môi trường đồng bộ, hiện đại, tích hợp với hệ thống quan trắc môi trường quốc gia. phát triển bền vững rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2025-1-15/Ke-hoach-thuc-hien-Quy-hoach-tinh-Quang-Tri-thoi-k7prh8d.aspx