(MPI) – Ngày 09/01/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 64/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh minh họa. |
Theo Kế hoạch, về xác định các dự án đầu tư công, tỉnh Quảng Nam ưu tiên các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, có tính kết nối liên vùng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng của tỉnh; tăng cường hạ tầng kết nối các địa phương với Cảng hàng không quốc tế Chu Lai; hạ tầng y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội; hạ tầng thông tin, truyền thông, chuyển đổi số, hạ tầng lưới điện, hạ tầng phòng cháy và chữa cháy, hạ tầng nghề cá… bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, lĩnh vực, vừa gia tăng động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp chênh lệch về khoảng cách giàu – nghèo.
Đồng thời, tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, xử lý rác thải và nghĩa trang; quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khác đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh; hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh.
Đối với dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, đẩy mạnh thu hút đầu tư mở rộng, nâng cao năng suất, hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; trong đó, ưu tiên thu hút các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế phát triển tập trung theo đúng định hướng 02 vùng kinh tế – 02 cụm động lực – 03 hành lang phát triển.
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm trên 8% trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030, dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 630.000 tỷ đồng trong toàn thời kỳ quy hoạch.
Cụ thể, thời kỳ 2021-2030 có tổng số vốn đầu tư toàn xã hội là 630.000 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn khu vực nhà nước chiếm 19,3% (tương đương 121.720 tỷ); Nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước chiếm 66,3% (tương đương 417.940 tỷ đồng); Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 14,4% (tương đương 90.340 tỷ đồng).
Kế hoạch đưa ra các nhóm nhiệm vụ giải pháp để thực hiện Quy hoạch, cụ thể, về thu hút đầu tư phát triển, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên những dự án phát huy hiệu quả cao, các dự án quan trọng, cấp bách, có tính đột phá, lan tỏa; nâng cao tỷ lệ giải ngân gắn với chất lượng công trình và hoàn thành đúng tiến độ các dự án làm cơ sở để thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách theo phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư”.
Chú trọng thu hút đầu tư có chọn lọc, các dự án đầu tư nước ngoài, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng trong khu vực và toàn cầu. Ưu tiên kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn, các nhà đầu tư có thương hiệu, có tiềm lực tài chính, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài vào các lĩnh vực mà tỉnh ưu tiên, khuyến khích đầu tư, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khác trong tỉnh.
Về nguồn nhân lực, xây dựng cơ chế chính sách cụ thể, đột phá nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng cho phát triển kinh tế – xã hội; tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế, đặc biệt đối với các ngành trọng điểm về công nghiệp chế biến, dược liệu, dược phẩm, mỹ phẩm, chế tạo, xây dựng, du lịch, hàng không, cảng biển.
Thu hút, kêu gọi đầu tư theo mô hình đô thị đại học để trở thành một trong những trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao hàng đầu đối với một số lĩnh vực trọng điểm của tỉnh./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2025-1-10/Ke-hoach-thuc-hien-Quy-hoach-tinh-Quang-Nam-thoi-klqo1cu.aspx