(MPI) – Ngày 29/11/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1486/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh minh họa. |
Việc ban hành Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1585/QĐ-TTg ngày 07/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh).
Xác định rõ nội dung, xây dựng lộ trình tổ chức triển khai các chương trình, dự án gắn với nguồn lực để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch tỉnh.
Kế hoạch gồm 04 nhóm nội dung: Dự án đầu tư công; Dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công; Kế hoạch sử dụng đất; Nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
Cụ thể, về dự án đầu tư công, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước cho cho các dự án lớn, quan trọng, cấp bách, có tính kết nối, tạo động lực cho phát triển nhưng không huy động được nguồn lực xã hội hóa, bảo đảm đồng bộ, hiện đại; đầu tư hạ tầng đến vùng sản xuất hàng hóa tập trung; hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu và các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng văn hóa xã hội; quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là chuỗi đô thị theo trục động lực và các vùng kinh tế đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư đáp ứng các mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và bền vững.
Đối với dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên như: Hạ tầng giao thông; khu kinh tế; khu, cụm công nghiệp; công nghiệp khai thác và chế biến sâu khoáng sản (nhất là đất hiếm); các khu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tập trung, các dự án chế biến nông lâm sản; nguồn điện và lưới điện; hạ tầng logistics, hệ thống bến cảng đường thủy nội địa, cảng cạn; khu đô thị; khu, điểm du lịch; cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, thương mại, dịch vụ…
Về kế hoạch sử dụng đất, tổ chức thực hiện việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 căn cứ theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 về phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; số 227/QĐ-TTg ngày 12/3/2024 về điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025; số 95/QĐ-TTg ngày 16/11/2023 về phê duyệt quy hoạch sử dụng đất an ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; số 47/QĐ-TTg ngày 09/5/2024 về phê duyệt quy hoạch sử dụng đất quốc phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy định khác có liên quan.
Tổ chức xây dựng kế hoạch hoạch sử dụng đất 05 năm 2026-2030 theo quy định của pháp luật về đất đai, trên cơ sở khai thác hiệu quả, hợp lý tài nguyên đất đai cho nhu cầu phát triển, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, bền vững, phù hợp với định hướng sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm của cả nước, Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm tính tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc.
Về nguồn lực thực hiện quy hoạch, Kế hoạch nêu rõ, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm đạt khoảng từ 9 đến 11% trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030, tỉnh Lai Châu cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 168 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2025: Nguồn vốn khu vực nhà nước chiếm 36% (tương đương 21 nghìn tỷ); Nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước chiếm 64% (tương đương 37 nghìn tỷ).
Giai đoạn 2026-2030: Nguồn vốn khu vực nhà nước chiếm 31% (tương đương 34 nghìn tỷ); Nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước chiếm 69% (tương đương 76 nghìn tỷ).
Kế hoạch cũng đưa ra các nhóm nhiệm vụ giải pháp về: Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển; Thu hút đầu tư phát triển; Phát triển nguồn nhân lực; Khoa học công nghệ; Bảo vệ môi trường; Bảo đảm an sinh xã hội; Bảo đảm nguồn lực tài chính; Bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tại Kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu trong quá trình thực hiện Kế hoạch này; trường hợp cần thiết, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu nghiên cứu, xây dựng hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-12-2/Ke-hoach-thuc-hien-Quy-hoach-tinh-Lai-Chau-thoi-ky5t9xke.aspx