Giới chuyên gia cảnh báo, quá trình chuyển đổi sang ô tô điện của châu Âu đang bị đe dọa do tình trạng thiếu lithium, thành phần chính trong những viên pin xe điện.
Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch cấm bán ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel mới vào năm 2035. Theo ước tính của công ty theo dõi chuỗi cung ứng pin cho xe điện Benchmark Mineral Intelligence, nhu cầu về lithium tại châu Âu sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2030, lên 550.000 tấn mỗi năm, cao hơn gấp 2 lần so với mức 200.000 tấn mà khu vực này có thể sản xuất.
Sự sống còn của các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang bị đe dọa khi nguồn cung lithium dự kiến sẽ tiếp tục thiếu hụt, trong khi thị trường vốn đã khan nguồn cung và giá kim loại này cao ngất ngưởng ở mức 62.000 USD/tấn, gấp hơn 5 lần chi phí sản xuất trung bình dù đã giảm gần đây. Nếu không có nguồn cung cấp trong nước, các tập đoàn ô tô của châu Âu có thể gặp khó khăn khi cạnh tranh với Trung Quốc, quốc gia đang nhanh chóng phát triển ngành ô tô điện và kiểm soát tới 60% quy trình xử lý lithium toàn cầu.
Vấn đề nguồn cung đã từng được nhà sản xuất lithium lớn nhất thế giới Albemarle nhấn mạnh. Công ty này thậm chí phải hủy kế hoạch khai thác lithium ở châu Âu sau khi không tìm được địa điểm khả thi về mặt thương mại.
Giới chuyên gia cho biết, ngành công nghiệp ô tô châu Âu sẽ không thể điện khí hóa đội xe trong tương lai nếu không có nguồn cung lithium của riêng mình.
Mặc dù Albemarle, công ty cung cấp 1/5 sản lượng lithium của thế giới, có kế hoạch xây dựng một nhà máy tinh chế kim loại này ở châu Âu vào cuối thập kỷ này, nhưng các nhà sản xuất ô tô cần các giải pháp thay thế ngay từ bây giờ. Điều đó đã thúc đẩy một số tập đoàn ô tô hàng đầu châu Âu đánh cược vào một số dự án tại cùng châu lục, trong khi chúng không đảm bảo thành công vì các quy trình khai thác phức tạp.
EU đã nhận thức được vấn đề từ trước. Khối đã đưa ra Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng nhằm củng cố chuỗi cung ứng xe điện bằng cách tìm nguồn cung ứng cho các kim loại như lithium, cobalt và nickel tại chính các nước thành viên.