Kế hoạch chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại tỉnh Hưng Yên
Ngày 19/5, Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tỉnh Hưng Yên ban hành Kế hoạch số 86/KH-BCĐ chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại tỉnh Hưng Yên.
Nội dung Kế hoạch như sau:
Căn cứ Quy chế Thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 05/2021/TT-BGDĐT ngày 12/3/2021 và Thông tư số 06/2023/TT-BGDĐT ngày 24/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là Quy chế thi); Công văn số 1515/BGDĐT-QLCL ngày 07/4/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (gọi tắt là Công văn số 1515/BGDĐT-QLCL);
Căn cứ Quyết định số 1033/QĐ-UBND ngày 08/5/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tỉnh Hưng Yên;
Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tỉnh Hưng Yên ban hành kế hoạch chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại tỉnh Hưng Yên như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
– Tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại tỉnh Hưng Yên (sau đây gọi tắt là Kỳ thi) theo đúng Quy chế thi và các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
– Kỳ thi phải được tổ chức đảm bảo an toàn, nghiêm túc, khách quan, chất lượng, công bằng, đúng Quy chế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Công tác chỉ đạo
Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh chỉ đạo toàn diện tất cả các hoạt động chuẩn bị, tổ chức thực hiện Kỳ thi theo quy định của Quy chế thi; chỉ đạo, kiểm tra các ban, ngành, đoàn thể liên quan và các cơ sở giáo dục trên địa bàn trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Kỳ thi.
2. Công tác tuyên truyền
a) Nội dung
Tuyên truyền tới toàn thể người dân, cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh mục đích của Kỳ thi; phổ biến rộng rãi Quy chế thi tốt nghiệp THPT tới toàn thể cán bộ, giáo viên, các lực lượng tham gia Kỳ thi, học sinh và cha mẹ học sinh. Quá trình tuyên truyền đảm bảo truyền tải đầy đủ các thông tin về Kỳ thi để học sinh và cha mẹ học sinh nắm rõ, đồng thời không gây tâm lý nặng nề ảnh hưởng đến học sinh tham gia Kỳ thi.
b) Đơn vị thực hiện
– Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên.
– Đơn vị phối hợp: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố.
c) Thời gian thực hiện: Trước, trong và sau khi kết thúc Kỳ thi.
3. Tập huấn Quy chế thi và các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ
a) Nội dung
– Tổ chức tập huấn Quy chế thi, các hướng dẫn về tổ chức Kỳ thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng dẫn sử dụng Phần mềm quản lý thi cho tất cả cán bộ quản lý, cán bộ phụ trách công tác thi và cán bộ phụ trách phần mềm của các nhà trường có thí sinh dự thi. Chỉ đạo các nhà trường có thí sinh dự thi tổ chức tập huấn Quy chế thi, hướng dẫn thi đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh.
– Tập huấn Quy chế thi ít nhất 02 lần cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia làm nhiệm vụ tại Kỳ thi. Tập huấn cho lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi.
– Tập huấn cho lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho Kỳ thi.
b) Đơn vị thực hiện
– Đơn vị chủ trì:
+ Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tập huấn, chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường tổ chức tập huấn.
+ Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh chỉ đạo, tổ chức tập huấn cho các lực lượng tham gia công tác bảo vệ ở các khâu của Kỳ thi.
– Đơn vị phối hợp: Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường có thí sinh dự thi, các trường bố trí Điểm thi.
c) Thời gian thực hiện
– Tập huấn Quy chế thi, hướng dẫn sử dụng Phần mềm quản lý thi: Đã hoàn thành ngày 22/4/2023.
– Tập huấn Quy chế thi cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia làm nhiệm vụ tại Kỳ thi; tập huấn nghiệp vụ thanh tra thi: Hoàn thành trước ngày 24/6/2023.
4. Đảm bảo các điều kiện tổ chức thi
a) Nội dung
Chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị, văn phòng phẩm phục vụ các khâu tổ chức thi; đảm bảo kinh phí tổ chức thi; đảm bảo cấp điện ổn định; cụ thể:
– Chuẩn bị giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, văn phòng phẩm; in phù hiệu cho cán bộ làm thi theo quy định.
– Chuẩn bị đầy đủ số phòng thi, số phòng chờ (đối với thí sinh dự thi bài tổ hợp) căn cứ trên số lượng thí sinh đăng kí. Mỗi điểm thi bố trí 1-2 phòng thi dự phòng. Các phòng thi, phòng chờ và phòng dự phòng có đầy đủ bàn, ghế, hệ thống chiếu sáng, quạt mát.
– Lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các phòng bảo quản, lưu giữ đề thi, bài thi ở tất cả các điểm thi, khu vực chấm thi và khu vực in sao đề thi.
– Đảm bảo kinh phí tổ chức thi; đảm bảo cấp điện ổn định cho Kỳ thi.
– Chuẩn bị lực lượng dự phòng: Bố trí 10% lực lượng cán bộ dự phòng làm công tác coi thi để sử dụng trong trường hợp cần thiết.
b) Đơn vị thực hiện
– Sở Giáo dục và Đào tạo:
+ Chủ trì chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, văn phòng phẩm phục vụ các nội dung công việc do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện gồm: in sao đề thi, vận chuyển và bàn giao đề thi, chấm thi, phúc khảo bài thi, thanh tra, kiểm tra thi.
+ Chỉ đạo các nhà trường chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, văn phòng phẩm phục vụ công tác đăng ký dự thi, coi thi.
+ Chỉ đạo các nhà trường đặt Điểm thi: chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, văn phòng phẩm phục vụ công tác bảo quản đề thi, bài thi, coi thi.
– Công ty Điện lực Hưng Yên: Chủ trì chỉ đạo, đảm bảo cấp điện ổn định cho Kỳ thi; đặc biệt là tại các địa điểm: in sao, bảo quản đề thi, bài thi; các điểm thi; điểm chấm thi. Rà soát hệ thống điện của khu vực làm thi, khu vực tổ chức coi thi tại điểm thi, khu vực chấm thi; kiến nghị, đề xuất sửa chữa, bổ sung nếu cần thiết.
– Sở Tài chính: Chủ trì thẩm định kinh phí, trình UBND tỉnh bố trí kinh phí đảm bảo cho Kỳ thi.
– Các sở, ngành, đoàn thể liên quan; UBND huyện, thị xã, thành phố phối hợp thực hiện các nhiệm vụ trên.
c) Thời gian thực hiện: Trước, trong Kỳ thi.
5. Đảm bảo an ninh, an toàn cho Kỳ thi
a) Nội dung:
Đảm bảo an ninh, an toàn trong suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi: công tác vận chuyển đề thi, bài thi; in sao đề thi; coi thi; làm phách; chấm thi, chấm phúc khảo bài thi; các vấn đề an ninh, an toàn khác liên quan đến Kỳ thi. Đảm bảo an toàn sức khỏe, an toàn phòng dịch và vệ sinh thực phẩm cho Kỳ thi.
b) Đơn vị thực hiện
– Đơn vị chủ trì:
+ Công an tỉnh chủ trì xây dựng Kế hoạch, bố trí lực lượng, phương tiện đảm bảo an ninh trật tự cho Kỳ thi.
+ Sở Y tế chủ trì xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng, phương tiện đảm bảo an toàn sức khỏe, an toàn phòng dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm cho Kỳ thi.
– Đơn vị phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố.
c) Thời gian thực hiện
Công an tỉnh, Sở Y tế xây dựng Kế hoạch xong trước ngày 03/6/2023. Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ theo lịch chung của Kỳ thi.
6. Thành lập Hội đồng thi và các Ban của Hội đồng thi
a) Nội dung
Ra quyết định thành lập Hội đồng thi và các Ban của Hội đồng thi theo đúng Quy chế thi. Chủ tịch Hội đồng thi là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Phó Chủ tịch Hội đồng là các Phó Giám đốc và lãnh đạo phòng có chức năng quản lý giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên cấp THPT và công tác thi tốt nghiệp THPT thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo; các ủy viên là lãnh đạo một số phòng thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo và Hiệu trưởng trường phổ thông. Hội đồng thi gồm 09 Ban: Ban Thư ký; Ban In sao đề thi; Ban Vận chuyển và bàn giao đề thi; Ban Coi thi; Ban Làm phách bài thi tự luận; Ban Chấm thi tự luận; Ban Chấm thi trắc nghiệm; Ban Phúc khảo bài thi tự luận; Ban Phúc khảo bài thi trắc nghiệm. Trưởng các Ban của Hội đồng thi do lãnh đạo Hội đồng thi kiêm nhiệm.
b) Đơn vị chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo.
c) Thời gian thực hiện:
– Thành lập Hội đồng thi, phân công nhiệm vụ các thành viên: Hoàn thành trước ngày 21/5/2023.
– Thành lập các Ban của Hội đồng thi và các Điểm thi: Theo tiến độ tổ chức Kỳ thi.
7. Thành lập các Điểm thi
a) Nội dung: Dự kiến thành lập 32 điểm thi với 680 phòng thi. Thực hiện đánh số báo danh, xếp phòng thi theo từng bài thi/môn thi.
b) Đơn vị chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo.
c) Thời gian thực hiện: Hoàn thành trước ngày 03/6/2023.
(Danh sách điểm thi theo Phụ lục 3 đính kèm).
8. Công tác in sao đề thi
a) Nội dung: Nhận đề thi gốc từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổ chức in sao đề thi theo chế độ cách ly, đảm bảo tuyệt đối an toàn, bảo mật.
Lực lượng tham gia in sao đề thi: 49 người (Ban in sao đề gồm Trưởng ban là PCT Hội đồng thi, 01 Phó trưởng Ban, 27 uỷ viên, thư kí, 01 giám sát, 01 công an bảo vệ vòng trong; 08 công an bảo vệ vòng ngoài; 10 phục vụ, bảo vệ vòng ngoài).
b) Đơn vị thực hiện
– Đơn vị chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện.
– Đơn vị phối hợp:
+Công an tỉnh tổ chức bảo vệ.
+ Điện lực Hưng Yên đảm bảo cấp điện ổn định địa điểm in sao đề thi.
c) Thời gian, địa điểm thực hiện: Nhận đề gốc theo lịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổ chức in sao đề thi tại khu vực cách ly đảm bảo tuyệt đối an toàn; thời gian thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
9. Công tác vận chuyển, bàn giao đề thi, bài thi
a) Nội dung: Vận chuyển đề thi từ khu vực in sao đề thi đến các Điểm thi; vận chuyển bài thi từ các Điểm thi về nơi bảo quản bài thi tập trung của Sở Giáo dục và Đào tạo đảm bảo tuyệt đối an toàn.
b) Đơn vị thực hiện
– Đơn vị chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo.
– Đơn vị phối hợp: Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, các điểm thi.
c) Thời gian thực hiện: Vận chuyển đề thi ngày 27/6/2023; vận chuyển bài thi sau khi kết thức thi bài thi cuối cùng (chiều 29/6/2023).
10. Công tác coi thi
a) Nội dung: Tổ chức coi thi tại 32 điểm thi với 680 phòng thi theo lịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Lực lượng tham gia dự kiến 2.526 người, gồm:
+ Trưởng điểm thi (là lãnh đạo đến từ trường phổ thông khác): 32 người.
+ Phó trưởng điểm thi: 64 người (Mỗi Điểm thi có 02 phó trưởng điểm, trong đó 01 phó trưởng điểm là lãnh đạo hoặc Tổ trưởng chuyên môn trường phổ thông nơi đặt Điểm thi phụ trách cơ sở vật chất; 01 Phó trưởng điểm thi là lãnh đạo hoặc Tổ trưởng chuyên môn đến từ trường phổ thông khác).
+ Thư ký: 132 người (mỗi điểm thi được bố trí từ 3-5 thư ký).
+ Cán bộ coi thi: 1.360 người (đảm bảo 02 cán bộ coi thi/phòng thi, trong đó có 01 giáo viên THPT, 01 giáo viên THCS).
+ Thư ký: 132 người (mỗi điểm thi được bố trí từ 3-5 thư ký).
+ Cán bộ coi thi: 1.360 người (đảm bảo 02 cán bộ coi thi/phòng thi, trong đó có 01 giáo viên THPT, 01 giáo viên THCS).
+ Cán bộ giám sát: 358 người (cán bộ giám sát là giáo viên THCS và THPT làm nhiệm vụ giám sát phòng thi và giám sát tại các phòng chờ).
+ Thanh tra thi: Thanh tra tại Điểm thi: Dự kiến 95 người (mỗi Điểm thi bố trí ít nhất 02 cán bộ thanh tra; việc bố trí số lượng cán bộ thanh tra tại Điểm thi đảm bảo mỗi cán bộ thanh tra thanh tra từ 07 đến không quá 10 phòng thi); Thanh tra lưu động: 05 người.
+ Lực lượng bảo vệ, phục vụ: 480 người (bố trí 15 người/Điểm thi, gồm: 7-8 nhân viên bảo vệ, phục vụ của đơn vị sở tại; 01-02 cán bộ y tế; 04-06 công an; 01 cán bộ Ban Chỉ huy quân sự).
b) Đơn vị thực hiện
– Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập các Điểm thi; huy động cán bộ, giáo viên tham gia làm nhiệm vụ: Trưởng Điểm thi, phó trưởng Điểm thi, cán bộ coi thi, cán bộ giám sát, thanh tra, phục vụ, bảo vệ; tổ chức coi thi theo lịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
– Thanh tra tỉnh cử cán bộ tham gia công tác thanh tra Kỳ thi.
– Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh, an toàn các Điểm thi (công tác bảo quản đề thi, bài thi, coi thi, vận chuyển bài thi).
– Sở Y tế đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng dịch, cử nhân viên y tế trực tại các Điểm thi.
– Điện lực Hưng Yên đảm bảo cấp điện ổn định.
– Sở Thông tin và Truyền thông đảm bảo thông suốt thông tin liên lạc qua điện thoại, internet; theo dõi chặt chẽ tình hình thông tin về kỳ thi, nhất là các thông tin trên không gian mạng; phối hợp với Công an tỉnh kịp thời có biện pháp xử lý các thông tin sai lệch về Kỳ thi.
– Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đăng tải tin bài, thông tin tuyên truyền đầy đủ về Kỳ thi.
– Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh bố trí lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ thí sinh khu vực ngoài Điểm thi.
– Sở Giao thông vận tải phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông của Công an tỉnh đảm bảo giao thông thông suốt; UBND, Ban chỉ đạo thi các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ngành liên quan tại địa phương chỉ đạo, hỗ trợ các Điểm thi thực hiện tốt công tác coi thi theo quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ, đúng Quy chế thi.
c) Thời gian, địa điểm thực hiện: Các ngày 27, 28 và 29/6/2023 tại các Điểm thi.
11. Làm phách bài thi tự luận, chấm thi, phúc khảo bài thi
a) Nội dung: Tổ chức làm phách bài thi tự luận, chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm, phúc khảo bài thi theo tiến độ Kỳ thi. Cán bộ chấm thi là các giáo viên các trường THPT trong tỉnh. 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia chấm thi được tập huấn và đảm bảo các tiêu chuẩn chung đối với cán bộ tham gia kỳ thi.
Dự kiến lực lượng tham gia: 351 người, gồm:
+ Cán bộ, giáo viên của Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường và Thanh tra tỉnh: Dự kiến 334 người (thư ký: 46 người; làm phách bài thi tự luận: 42 người; chấm thi tự luận: 138 người; chấm trắc nghiệm: 40 người; chấm phúc khảo: 40 người; thanh tra: 10 người; phục vụ, bảo vệ: 18 người).
+Công an tỉnh: 17 người.
b) Đơn vị thực hiện
– Đơn vị chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức làm phách bài thi tự luận, chấm thi, phúc khảo bài thi.
– Đơn vị phối hợp:
+ Công an tỉnh tổ chức các lực lượng bảo quản bài thi, đảm bảo an ninh, an toàn khu vực làm phách, chấm thi;
+ Bưu điện tỉnh thực hiện chuyển phát dữ liệu chấm thi về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
+ Điện lực Hưng Yên đảm bảo cung cấp điện ổn định.
c) Thời gian, địa điểm thực hiện:
– Thời gian chấm thi: Từ 01/7/2023 đến 11/7/2023.
– Địa điểm: Địa điểm làm phách và địa điểm chấm thi được bố trí tại nơi đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và an ninh, an toàn.
– Phúc khảo bài thi: Hoàn thành trước ngày 05/8/2023.
12. Công bố kết quả và xét công nhận tốt nghiệp
a) Nội dung: Công bố kết quả thi theo lịch do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, thành lập Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp; chỉ đạo các đơn vị in giấy chứng nhận tốt nghiệp theo quy định của Quy chế thi.
b) Đơn vị thực hiện: Sở Giáo dục và Đào tạo
c) Thời gian thực hiện
– Công bố kết quả thi: Ngày 18/7/2023.
– Xét công nhận tốt nghiệp: Hoàn thành chậm nhất ngày 20/7/2023.
– Xét công nhận tốt nghiệp sau phúc khảo: Hoàn thành chậm nhất ngày 12/8/2023.
13. Công tác thanh tra, kiểm tra
a) Nội dung: Tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu tổ chức Kỳ thi bao gồm công tác chuẩn bị và công tác tổ chức thi.
b) Đơn vị thực hiện:
– Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra Kỳ thi, báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh; huy động lực lượng, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu tổ chức Kỳ thi theo đúng quy định của Quy chế thi và hướng dẫn thanh tra, kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
– Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ và Quy chế thi.
– Thanh tra tỉnh cử cán bộ tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi.
c) Thời gian thực hiện: Trong thời gian triển khai các khâu tổ chức Kỳ thi.
14. Công tác tổng kết kỳ thi
a) Nội dung: Tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức thi.
b) Đơn vị thực hiện:
– Đơn vị chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ban chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh tổ chức tổng kết công tác tổ chức Kỳ thi.
– Đơn vị phối hợp: Các sở, ngành, đoàn thể liên quan; UBND huyện, thị xã, thành phố; các các cơ sở giáo dục, các đơn vị tham gia công tác tổ chức thi.
– Thời gian thực hiện: Sau khi hoàn tất các công việc tổ chức thi.
16. Lịch công tác của Kỳ thi và lịch thi: (theo Phụ lục 1, Phụ lục 2 đính kèm)
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
– Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thi; tham mưu Ban chỉ đạo tỉnh chỉ đạo tổ chức thi tại tỉnh theo Quy chế thi và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đề xuất phương án xử lý kịp thời những tình huống bất thường xảy ra.
– Ban hành các văn bản hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức Kỳ thi. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, quán triệt đầy đủ Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông đến cán bộ, giáo viên và học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12 nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các quy định, thông tin cần thiết về Kỳ thi; giải đáp đầy đủ, kịp thời những băn khoăn, thắc mắc của thí sinh và người dân về những nội dung liên quan đến Kỳ thi.
– Chỉ đạo việc dạy và học, hoàn thành việc đánh giá, xếp loại học sinh; tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 tại các nhà trường và cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
– Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức Kỳ thi; bố trí Điểm thi của Hội đồng thi hợp lý, tạo thuận lợi nhiều nhất cho việc dự thi của thí sinh.
– Chỉ đạo các cơ sở giáo dục, các Điểm thi chuẩn bị các điều kiện cần thiết, thực hiện đầy đủ các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn cho thí sinh và những người thực hiện nhiệm vụ tại Kỳ thi; có phương án bố trí lực lượng cán bộ dự phòng trong trường hợp cần thiết.
– Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Kỳ thi tại tỉnh bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng, đúng Quy chế.
– Phối hợp bảo đảm các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự tại các điểm tổ chức thi; tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh và người nhà thí sinh, cán bộ thực hiện nhiệm vụ tại Kỳ thi ở tất cả các Điểm thi; vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn tham dự Kỳ thi, không để thí sinh phải bỏ thi do khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.
– Thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Phần II của kế hoạch này. Cụ thể: Chỉ đạo, tổ chức đăng ký dự thi; thành lập, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng thi và các Ban của Hội đồng thi; tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi; tổ chức in sao đề thi, vận chuyển, bàn giao đề thi, bài thi, coi thi, làm phách bài thi tự luận, chấm thi, phúc khảo bài thi; tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức thi; tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh.
– Định kỳ hằng tuần báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh về tình hình, tiến độ, kết quả tổ chức Kỳ thi; thực hiện chế độ báo cáo đột xuất những vấn đề nảy sinh trong quá trình tổ chức Kỳ thi; riêng những ngày thi thực hiện chế độ báo cáo sau mỗi buổi thi.
– Tham mưu Ban chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh tổ chức tổng kết việc tổ chức Kỳ thi.
2. Công an tỉnh
– Chủ động nắm tình hình, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến Kỳ thi như: Buôn bán thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử, “đường dây” thi thuê, thi hộ, thi kèm; tung tin thất thiệt ảnh hưởng tiêu cực đến Kỳ thi, phá rối an ninh trật tự tại các điểm thi.
– Kịp thời trao đổi với ngành Giáo dục các thông tin về nguy cơ mất an ninh an toàn Kỳ thi, hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến Kỳ thi; tham mưu, phối hợp với ngành Giáo dục và các cơ quan liên quan khắc phục tồn tại, bất cập ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh an toàn Kỳ thi.
– Chủ trì xây dựng kế hoạch, phương án triển khai lực lượng, phương tiện, biện pháp hỗ trợ ngành Giáo dục bảo mật đề thi, bài thi, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tại các địa điểm diễn ra hoạt động của Kỳ thi.
– Thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Phần II của Kế hoạch này.
3. Sở Y tế
– Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh trong thời gian diễn ra Kỳ thi;
– Chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế trong tỉnh xây dựng kế hoạch bố trí nhân lực, phương tiện, cơ số thuốc phục vụ cho Kỳ thi.
– Thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Phần II của kế hoạch này.
4. Sở Thông tin và Truyền thông
– Hướng dẫn các cơ quan báo chí và chỉ đạo hệ thống truyền thanh cơ sở tổ chức thông tin tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, chính xác về Kỳ thi. Theo dõi chặt chẽ tình hình thông tin về kỳ thi, nhất là các thông tin trên không gian mạng; phối hợp với Công an tỉnh kịp thời có biện pháp xử lý các thông tin sai lệch về Kỳ thi.
– Chỉ đạo Bưu điện tỉnh, các doanh nghiệp viễn thông bảo đảm hạ tầng bưu chính viễn thông, tạo thuận lợi cho việc công bố kết quả thi, điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, chuyển phát hồ sơ nhập học của thí sinh và các ấn phẩm liên quan đến Kỳ thi.
– Thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Phần II của kế hoạch này.
5. Sở Tài chính
– Hướng dẫn Sở Giáo dục và Đào tạo lập dự toán kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức Kỳ thi; thẩm định, trình phê duyệt theo quy định.
– Thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Phần II của kế hoạch này.
6. Thanh tra tỉnh
– Cử cán bộ tham gia thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.
– Thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Phần II của kế hoạch này.
7. Sở Giao thông vận tải
– Chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải và các đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm an toàn trong các hoạt động vận chuyển, đi lại liên quan đến Kỳ thi; phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan bảo đảm an toàn giao thông, không để xảy ra ách tắc giao thông ảnh hưởng tới Kỳ thi.
– Thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Phần II của kế hoạch này.
8. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh
– Chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự huyện, thị xã, thành phố bố trí lực lượng tham gia đảm bảo an ninh, an toàn tại các đơn vị đặt địa điểm thi.
– Thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Phần II của kế hoạch này.
9. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
– Chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền về Kỳ thi.
– Thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Phần II của kế hoạch này.
10. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh
– Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh tăng cường tuyên truyền về Kỳ thi để đoàn viên, hội viên và Nhân dân hiểu rõ các quy định pháp luật và kế hoạch tổ chức Kỳ thi tại địa phương; hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc tổ chức Kỳ thi; vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn tham gia Kỳ thi.
– Thực hiện, hướng dẫn mặt trận tổ quốc các cấp và tổ chức thành viên phối hợp tham gia kiểm tra; thực hiện công tác giám sát theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
– Phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Phần II của kế hoạch này.
11. Đề nghị Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh
– Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức đội ngũ tình nguyện viên làm tốt công tác tuyên truyền về Kỳ thi; huy động đoàn viên, thanh niên tham gia lực lượng thanh niên tình nguyện phục vụ Kỳ thi; chỉ đạo các cấp bộ Đoàn địa phương tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn cho Kỳ thi.
– Phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Phần II của kế hoạch này.
12. Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hưng Yên
– Tăng cường đăng tải tin bài, thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về Kỳ thi để học sinh, cha mẹ học sinh và nhân dân nắm được thông tin về Kỳ thi, tạo tâm lý tốt cho học sinh khi tham gia Kỳ thi.
– Thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Phần II của kế hoạch này.
13. Công ty Điện lực Hưng Yên
– Xây dựng kế hoạch rà soát, kiểm tra hệ thống cấp điện, hệ thống điện, bảo đảm cung cấp điện ổn định cho địa điểm in sao đề thi, các điểm thi, điểm chấm thi.
– Thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Phần II của kế hoạch này.
14. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố
– Thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp huyện để phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, tổ chức Kỳ thi tại địa phương. Chỉ đạo việc phối hợp đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực tham gia Kỳ thi; chỉ đạo đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn; xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các điểm thi; tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ bố trí nơi ăn, nghỉ, phương tiện đi lại cho thí sinh, người nhà thí sinh, cán bộ coi thi tham gia Kỳ thi tại địa phương.
– Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huy động lực lượng các nhà trường tham gia thực hiện nhiệm vụ tại Kỳ thi; triển khai công tác tập huấn nghiệp vụ thi, các nhiệm vụ liên quan của Kỳ thi.
– Phối hợp với Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, đảm bảo an toàn tuyệt đối các điểm thi; quản lý chặt chẽ các phương tiện in ấn, máy photocopy.
– Thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Phần II của kế hoạch này.
Các sở, ngành, đoàn thể tỉnh liên quan; UBND huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ nội dung Kế hoạch và chức năng, nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch của đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện; phân công trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện nhiệm vụ tại Kỳ thi, đảm bảo tất cả các nhiệm vụ phải có đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện, không bỏ sót nhiệm vụ; quán triệt toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia thực hiện nhiệm vụ tại Kỳ thi với tinh thần trách nhiệm cao nhất, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao theo đúng công việc, vị trí được phân công, đảm bảo tuân thủ Quy chế thi và quy định pháp luật.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo, giải quyết.
Các cơ quan, đơn vị báo cáo kết quả thực hiện với Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh (qua Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp).