Trong hai năm qua, chính phủ Mỹ đã thắt chặt các quy định để ngăn chặn các nhà thiết kế chip AI hàng đầu của Mỹ, như Nvidia và AMD, bán chip AI hiệu suất cao cho Trung Quốc, nhằm cản bước tiến công nghệ của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, việc tiếp cận các chip và mô hình AI này thông qua các dịch vụ đám mây không vi phạm các quy định của Mỹ, vì luật pháp chỉ điều chỉnh việc xuất khẩu trực tiếp hoặc chuyển giao hàng hóa, phần mềm hoặc công nghệ vật lý.

Xem xét 50 tài liệu đấu thầu công khai từ các pháp nhân Trung Quốc, ít nhất 11 trong số họ đã tìm cách truy cập vào các công nghệ bị hạn chế của Mỹ bằng cách này.

qqwx6th9.png
Mỹ thắt chặt các quy định để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận chip AI và mô hình AI tiên tiến trong những năm qua. Ảnh: Shutterstock

Trong số đó, 4 pháp nhân nêu rõ Amazon Web Services (AWS) là nhà cung cấp dịch vụ đám mây của họ, truy cập các dịch vụ thông qua các trung gian Trung Quốc thay vì trực tiếp từ AWS. Các tài liệu đấu thầu nêu bật các chiến lược khác nhau mà các pháp nhân Trung Quốc đang sử dụng để đảm bảo sức mạnh tính toán và quyền truy cập các mô hình AI tạo sinh. Chúng cũng cho thấy các công ty Mỹ đang thu lợi như thế nào từ nhu cầu ngày càng tăng của quốc gia châu Á đối với tài nguyên máy tính.

“AWS tuân thủ tất cả các luật hiện hành của Mỹ, bao gồm cả luật thương mại, liên quan đến việc cung cấp dịch vụ AWS trong và ngoài Trung Quốc”, người phát ngôn của AWS cho biết.

Truyền thông Mỹ đưa tin Đại học Thâm Quyến đã chi 200.000 NDT (khoảng 28.000 USD) thông qua một trung gian để truy cập các máy chủ đám mây AWS sử dụng chip Nvidia A100 và H100, hai con chip bị cấm xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc theo quy định của Mỹ.

Tương tự, viện nghiên cứu Zhejiang Lab tìm kiếm các dịch vụ đám mây AWS để phát triển mô hình AI do sức mạnh tính toán từ các nhà cung cấp địa phương không đủ.

AWS kiểm soát gần 1/3 thị trường hạ tầng đám mây toàn cầu, theo hãng nghiên cứu Canalys. Tại Trung Quốc, AWS là nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn thứ 6, theo hãng nghiên cứu IDC.

Ngoài ra, các pháp nhân Trung Quốc cũng tìm cách truy cập dịch vụ đám mây của Microsoft.

Nỗ lực thắt chặt các quy định về truy cập đám mây

Những phát hiện này đã khiến các nhà lập pháp Mỹ lo ngại. Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, bày tỏ đây là lo ngại của ông trong nhiều năm và nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết kẽ hở.

Pareekh Jain, Giám đốc điều hành của Pareekh Consulting, đồng tình rằng lỗ hổng đã giúp các công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ AI bị hạn chế. Theo ông, mô hình kinh doanh hiện tại, nơi các dịch vụ đám mây được bán thông qua các đại lý hoặc trung gian, khiến các nỗ lực hạn chế và giám sát người dùng cuối trở nên phức tạp hơn.

Về lâu dài, khi các quy định về dịch vụ đám mây được thắt chặt, nhiều hoạt động kinh doanh có thể sẽ chảy qua các đại lý ở Trung Quốc, chuyển gánh nặng tuân thủ từ các nhà cung cấp như AWS sang các trung gian này.

Đáp lại những lo ngại nói trên, một dự luật được trình lên Quốc hội vào tháng 4 nhằm trao quyền cho Bộ Thương mại Mỹ điều chỉnh quyền truy cập công nghệ Mỹ từ xa.

Bộ cũng đề xuất một số quy tắc mới, yêu cầu các dịch vụ đám mây xác minh người dùng của các mô hình AI lớn và báo cáo cho các nhà quản lý khi chúng được sử dụng cho các hoạt động độc hại tiềm tàng. Ngoài ra, Bộ trưởng còn có thể áp đặt các lệnh cấm đối với các khách hàng đám mây, theo đề xuất.

(Theo CIO, Indiatimes)