Bến đò Dắt Dây (tại địa điểm cầu Dắt Dây hiện nay) là phương tiện vượt qua sông Thoa từ bờ bên này sang bờ bên kia trên đường thiên lý Bắc Nam, ngang qua làng Thu Phổ Nhì, nay thuộc xã Đức Tân, H.Mộ Đức.
Ở đây ngày trước, lòng sông sâu, nước chảy xiết, những chuyến đò xuôi ngược đưa người qua sông phải vin vào một sợi dây thừng neo từ bờ bên này vắt sang bờ bên kia. Người Việt, từ vùng Nam Trung bộ trở vào, phát âm “vắt” thành “dắt”, rồi thành tên ghi trong địa bạ là cầu Dắt Dây.
Sông Thoa – chi lưu lớn nhất của sông Vệ và cũng là con sông đào lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Dòng nước có tên gọi mỹ miều, nữ tính này đóng vai trò quan trọng trong quá trình vỡ ruộng, lập làng của H.Mộ Đức, hình thành những cánh đồng phì nhiêu ở vùng đồng bằng được mệnh danh là vựa lúa của tỉnh Quảng Ngãi.
Từ vùng cao phía tây, dòng sông Vệ vượt qua nhiều ghềnh thác đổ về xuôi, đến đoạn cuối thượng nguồn (xã Hành Thịnh, H.Nghĩa Hành và xã Đức Hiệp, H.Mộ Đức) thì mở rộng dòng do đón thêm nước từ nhiều con suối nhỏ của vùng núi rừng Minh Long, Ba Tơ. Chính ở nơi hội thủy này, người xưa đã chọn khơi nguồn cho con sông Thoa, mở một dòng chảy theo hướng tây bắc – đông nam, xuyên qua H.Mộ Đức rồi ngoặt về nam, đưa nước đến phần đông TX.Đức Phổ. Đến đoạn Sa Bình (xã Phổ Minh, TX.Đức Phổ), sông Thoa hợp nước với sông Trà Câu, chảy thêm chừng 2,5 km, lại hòa nước với sông Trường, sông Lò Bó rồi đổ ra biển qua cửa Mỹ Á.
Lịch sử mở đất, lập làng từ thế kỷ 15 – 16 đến thế kỷ 17 – 18 ở H.Mộ Đức gắn với công lao to lớn của các thế hệ nông dân và binh lính đã từ vùng Thanh Nghệ Tĩnh, đồng bằng Bắc bộ đi cư đến đây, trong đó nổi bật vai trò của 3 nhân vật nổi tiếng: Huỳnh Công Chế, Trần Văn Đạt và Trần Cẩm.
Huỳnh Công Chế và Trần Văn Đạt cùng sinh trưởng vào khoảng nửa sau thế kỷ 15, cùng là người H.Thượng Phúc (phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam), nay thuộc H.Thường Tín, Hà Nội.
Năm 1471, hai ông tham gia cuộc hành quân Nam chinh của vua Lê Thánh Tông, có mặt trong nhiều trận đánh ở vùng Cổ Lũy (nay là đất Quảng Ngãi) và Đồ Bàn (nay là đất Bình Định). Cuộc Nam chinh thắng lợi, trước khi rút đại quân về Bắc, vua Lê Thánh Tông ra lệnh tổ chức bộ máy cai quản ở vùng đất mới, thành lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam (nay là vùng đất thuộc TP.Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định), đồng thời lưu lại một lực lượng quan quân cần thiết để cùng với cư dân Việt từ phía bắc được khuyến khích di cư có tổ chức vào sau đó, khai phá vùng đất mới, ổn định biên giới phương nam.
Huỳnh Công Chế và Trần Văn Đạt nằm trong số các quan quân Nam chinh được giao nhiệm vụ lưu lại vùng Mộ Hoa (Mộ Đức) để mở rộng ruộng đồng, quy dân lập ấp. Hai ông cũng có thể là những người đầu tiên chủ trương đào sông Thoa, lấy nước từ thượng nguồn sông Vệ để tưới mát ruộng đồng, xả phèn rửa mặn, mở rộng diện tích canh tác lúa nước, hình thành những cánh đồng trù phú.
Trần Cẩm (1545 – 1640), quê gốc ở phủ Thanh Oai (Hà Tây, nay thuộc H.Thanh Oai, Hà Nội), theo giúp Nguyễn Kim, đứng dưới ngọn cờ “Phù Lê diệt Mạc”. Năm Quang Hưng thứ 20 (1597) triều Lê Trung Hưng, Trần Cẩm phụng mệnh vào Thuận – Quảng giúp Nguyễn Hoàng, lãnh chức Tham tướng cai phủ, trông coi phủ Tư Nghĩa (nay là tỉnh Quảng Ngãi) và trở thành một trong những người có công rất lớn trong sự nghiệp ổn định và khai phá vùng đất Quảng Ngãi, xây dựng hậu phương vững vàng cho công cuộc Nam tiến đầu thế kỷ 17.
Trong suốt 30 năm trấn nhậm ở Quảng Ngãi, Trần Cẩm có nhiều công trạng trong việc đốc xuất quân dân khai phá đất đai, phát triển thủy lợi; xác lập các thôn, phường, xã, tổng ở vùng đất mới; vừa ổn định đời sống nhân dân, vừa huy động tài lực, nhân lực phục vụ khai mở dải đất phía nam đất nước.
Đặc biệt, Trần Cẩm có công lớn trong việc tiếp bước tiền nhân, khơi ngòi sông Thoa, đắp các đập Bến Thóc, Phước Khánh, Điền Trang, đào kênh Mương Tuần dẫn nước sông Thoa tưới cho một diện tích rất lớn đồng ruộng, góp phần quyết định biến Mộ Đức thành vựa lúa của tỉnh.
Ngày nay, mỗi khi có dịp đi ngang qua H.Mộ Đức, khách phương xa không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thân quen, gần gũi của phong cảnh đồng quê vùng Đức Hiệp, Đức Hòa, Đức Thạnh, Đức Tân với dòng sông Thoa chảy lượn lờ qua những cánh đồng lúa bát ngát bao quanh những xóm làng ngan ngát hương cau.
Nhiều năm nay, xã Đức Tân đã có sáng kiến tổ chức Lễ hội Ngày mùa, lấy một đoạn sông Thoa chảy qua xã Đức Tân và cánh đồng xóm Cây Gạo làm “sân khấu” chính. Đây cũng là quê hương cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nơi con sông Thoa chảy vòng sau lưng làng xóm, có chiếc cầu Dắt Dây đã đi vào ca dao Quảng Ngãi từ thời còn là một bến đò nối thông đường thiên lý Bắc Nam.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ke-chuyen-dong-song-xu-quang-song-thoa-con-song-dao-dai-nhat-tinh-quang-ngai-185241122015849999.htm