Con đường sự nghiệp của bà Harris từ công tố viên đến chính trị gia đã được định hình qua nhiều lần đầu tiên: Bà là thượng nghị sĩ người Mỹ gốc Ấn Độ đầu tiên của Mỹ, tổng chưởng lý nữ và Nam Á đầu tiên của bang California. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên trở thành Phó Tổng thống Mỹ, cũng như người da màu hoặc người Mỹ gốc Á đầu tiên giữ chức vụ này.
Hiện tại, khi đà tiến triển đang dần đưa bà Harris trở thành ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ năm 2024, bà có cơ hội trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ.
Con của gia đình người nhập cư
Bà Kamala Devi Harris sinh ngày 20/10/1964 Oakland, California. Cha của bà, ông Donald, đã di cư đến Mỹ từ Jamaica để học kinh tế tại Đại học California ở Berkeley. Ông hiện là giáo sư danh dự về kinh tế tại Đại học Stanford.
Mẹ của bà, Shyamala Gopalan Harris, đã di cư đến Mỹ từ miền nam Ấn Độ vào cuối những năm 1950. Bà đã lấy bằng tiến sĩ về dinh dưỡng và nội tiết tại Berkley và trở thành nhà nghiên cứu ung thư vú nổi tiếng trước khi qua đời vào năm 2009.
Cuộc hôn nhân của cha mẹ bà Harris tan vỡ khi bà mới 7 tuổi. Với Phó Tổng thống, mẹ bà đã có công lao khi “hình thành nên những người phụ nữ mà chúng ta sẽ trở thành”, cũng như dạy dỗ con gái tự hào về cả di sản người da đỏ và người da đen của mình.
Sự nghiệp của những ‘lần đầu tiên’
Tại Đại học Howard, trường đại học có truyền thống lâu đời dành cho người da đen ở trung tâm Washington DC, nơi bà Harris theo học vào năm 1982, bà đã gia nhập Alpha Kappa Alpha, hội nữ sinh da đen lâu đời nhất nước Mỹ, và lấy bằng cử nhân khoa học chính trị và kinh tế.
Sau khi tốt nghiệp đại học, bà Harris trở về California và theo học trường luật tại Đại học California Hastings vào năm 1986.
Bà Harris đã vượt qua kỳ thi luật sư vào năm 1990 và bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là công tố viên quận, thăng tiến qua nhiều cấp bậc để trở thành Tổng chưởng lý bang California vào năm 2011. Bà là người phụ nữ da đen và người Mỹ gốc Nam Á đầu tiên giữ chức vụ này
Năm 2014, bà Harris kết hôn với luật sư Doug Emhoff, một cựu đối tác quản lý tại một công ty luật. Năm 2015, bà Harris tuyên bố sẽ tranh cử vào Thượng viện Mỹ và nhận được sự ủng hộ của ông Joe Biden và Tổng thống Barack Obama khi đó. Năm 2017, bà trở thành người phụ nữ da đen thứ hai phục vụ tại Thượng viện.
Trong thời gian ở Thượng viện Mỹ, bà Harris đã phục vụ tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện cũng như Ủy ban Tình báo Đặc biệt. Năm 2019, bà phát động chiến dịch tranh cử ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, với ông Biden là một trong những đối thủ của bà.
Ngày 20/1/2021, bà Harris tuyên thệ nhậm chức với tư cách Phó Tổng thống Mỹ. Bà một lần nữa làm nên lịch sử: bà là người phụ nữ đầu tiên, người da đen đầu tiên và người gốc Ấn Độ đầu tiên giữ chức Phó Tổng thống Mỹ.
Công việc này trao cho bà Harris thẩm quyền tiếp quản chính quyền nếu Tổng thống qua đời hoặc bị coi là không đủ khả năng làm nhiệm vụ, song bà vẫn phải vật lộn để nâng cao uy tín của mình trong thời gian ở Nhà Trắng.
Sau màn tranh luận thất vọng của Tổng thống Biden, bà Harris là một trong những người ủng hộ ông mạnh mẽ nhất, ngay cả khi các chính trị gia Dân chủ khác đề cử bà cùng những người khác để thay thế ông Biden trong danh sách ứng cử viên tổng thống.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết trong cuộc họp báo ngay sau cuộc tranh luận rằng một trong những lý do ông Biden chọn bà vào năm 2020 “là vì bà thực sự là tương lai của Đảng Dân chủ”.
Ngọc Ánh (theo CNN, DW)
Nguồn: https://www.congluan.vn/bau-cu-my-2024-ba-kamala-harris-ung-vien-moi-cua-dang-dan-chu-la-ai-post304523.html