Chào Jun Phạm, “Xứ sở miên man” có ý nghĩa và niềm hy vọng nào đối với anh?
– Câu chuyện trong “Xứ sở miên man” là hư cấu, nhưng hành trình phiêu lưu vào thế giới thần tiên được lấy cảm hứng và chất liệu từ chính những điều xung quanh tôi. Ấm trà cũ của mẹ, những kỷ niệm với bố hay xúc cảm khi tham gia vào chương trình “Vết sẹo cuộc đời”… Tất cả những điều đó đã thôi thúc tôi tạo ra quyển sách này, như một kỷ niệm đẹp sau 10 năm viết quyển sách đầu tiên, cùng những tiếc nuối khó quên khi thời điểm ra mắt sách lại là lúc bố bất ngờ không còn bên cạnh nữa. Nhân vật chú Cuội trong sách được tôi tạo nên dựa trên chính hình ảnh và con người bố mình. Ngay cả giàn khổ qua trong sách thật trùng hợp với giàn khổ qua mà bố trồng trước khi ra đi. Nếu nhìn theo hướng tích cực, thì việc ra đi của bố là một điều thanh thản. Như chính cách mà chú Cuội thoát ra khỏi Ấm Trà, bố cũng nhẹ nhàng ra khỏi những ký ức về mẹ ở căn nhà cũ.
Biến cố khiến người ta thêm trưởng thành. Mất mát là điều khó tránh khỏi trong cuộc đời, ta nhận được điều gì từ đó cũng là một nghĩa vụ rất quan trọng. Khi “Xứ sở miên man” hoàn thành, cũng là lúc tôi buộc phải nói lời chào tạm biệt với người mình yêu thương nhất trong cuộc đời. Nhưng ai cũng phải tiếp tục cuộc sống và những sứ mệnh. Hành trình của “Xứ sở miên man” trong veo và đáng yêu, như một chiếc hộp kỷ niệm đã xoa dịu và an ủi một cách dịu dàng, khiến tôi càng phải yêu cuộc sống này hơn nữa.
Jun Phạm chụp ảnh lưu niệm cùng các độc giả. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Cuốn sách này lấy cảm hứng từ người cha quá cố của anh phải không?
– Bố tôi chỉ là một trong những cảm hứng, không phải tất cả, bố chiếm 10%, còn lại là những người khác xung quanh cuộc sống của tôi. Ðây là một câu chuyện nhiều màu sắc hơn. Tôi mới 34 tuổi nhưng thấy mình đã già và đầu óc tôi thiên hướng về gia đình, thích trẻ con nhiều hơn, đó là lý do vì sao tôi ra sách dành cho thiếu nhi.
Anh mới quay lại viết sách sau 10 năm và thể loại sách dành cho thiếu nhi lại hoàn toàn mới, anh có gặp khó khăn gì không?
– Bất cứ dự án nào lần đầu chúng ta làm cũng có khó khăn riêng. Những khó khăn mới là thử thách để mình vượt qua. Ðối với tôi, mỗi công việc như chuyến phiêu lưu, nói khó nhưng tôi có khoảng thời gian 2 năm khám phá bản thân nên cảm thấy rất vui. Quyển sách này bắt nguồn từ đơn đặt hàng của chị tôi là Diễn viên – Ðạo diễn Ngô Thanh Vân, cần kịch bản cho bộ phim thiếu nhi, nhưng khi tôi viết xong lại không đủ tiền để đầu tư dựng phim, vì làm phim thiếu nhi cần kỹ xảo, tốn tiền nhiều hơn phim cho người lớn. Khi không làm phim được, tôi phát triển thành sách.
Ca sĩ Jun Phạm trong buổi ra mắt “Xứ sở miên man”. (ảnh Nhân vật cung cấp)
Anh chưa có gia đình, cũng chưa từng làm bố, chất liệu nào khiến anh dám chấp bút cho một quyển sách dành cho thiếu nhi?
– Nhiều người cứ nghĩ trẻ thơ phải vô tri. Với tôi, suy nghĩ này là sai. Tôi nghĩ, dù làm cha mẹ, ông bà hay bất kỳ điều gì lớn lao vĩ đại đều sẽ có những sự tưởng tượng như trẻ thơ. Albert Einstein có câu rất hay: “Tri thức không bao giờ bằng sự tưởng tượng”, tri thức có thể giúp mình đi từ điểm A đến B nhưng sự tưởng tượng có thể giúp mình đi khắp mọi nơi. Nếu như mình không mang một tâm hồn trẻ thơ thì không ai làm được bất cứ điều gì. Bởi chỉ có tâm hồn trẻ thơ mới sáng tạo được nhiều thứ ở nhiều góc độ tư duy và có chiều sâu. Nếu không sáng tạo, thế giới này sẽ dừng lại. Bản thân tôi cũng vậy, nếu như một ngày không sáng tạo như: cắm một bình hoa, nấu một món ăn khác, thì sẽ làm tôi chán.
Sách thiếu nhi chỉ chiếm thị phần nhỏ, vì nhiều ý kiến cho rằng thể loại này không có nhiều chất liệu để khai thác, anh nghĩ sao về điều này?
– Nói chung, ở thị trường Việt Nam, sách nào cũng khó vì văn hoá đọc đang mai một. Bản thân tôi không phải viết sách để kiếm tiền. Nếu kiếm tiền, tôi sẽ làm nhiều ngành nghề khác để kiếm nhiều tiền hơn. Viết sách như một ước mơ, đam mê của tôi và không thể dừng lại được lúc rảnh rỗi. Khi viết rồi, tôi lại ước mơ sách mình được lên quầy sách, đó là lý do sách tôi được xuất bản. Nếu nói viết sách để kiếm tiền, chắc anh em trong ngành sách sẽ hiểu, không bao giờ sống bằng nghề sách được, ngay cả chú Nguyễn Nhật Ánh vẫn có những kinh doanh khác, vì thị trường đọc sách ở nước mình càng ngày càng thấp dần. Tôi ra “Xứ sở miên man” là sách thiếu nhi, vì mong có nhiều thiếu nhi đọc hơn và đọc sách đúng tuổi của mình. Cuốn sách của tôi chỉ là chuyến phiêu lưu nhẹ nhàng, khi các em chịu dấn thân vào xứ sở của tôi, chắc chắn sẽ chịu dấn thân vào xứ sở khác, phức tạp và tuyệt vời hơn của những nhà văn khác.
Ðộc giả nhí mua sách ủng hộ Jun Phạm. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Trong cuốn sách này, có phần nào anh tâm đắc nhất không?
– Tôi tâm đắc nhất là chương “Mặt trăng trong bình trà”, thay đổi quan điểm của nhân vật chính, giúp nhân vật chính nhỏ lại đúng như độ tuổi cần thiết, vượt qua chặng thử thách cuối cùng để cứu người con gái của mình. Bây giờ nói nhiều quá sẽ biết hết, hy vọng mọi người sẽ đọc và hiểu được những gì tôi tâm sự.
Sau cuốn sách này, anh có dự định ra mắt thêm cuốn sách nào trong tương lai không?
– Tôi nói vui là sách bán đắt mới viết tiếp, nhưng như tôi chia sẻ, sách không thể nào bán đắt được, sách chỉ có vòng đời của nó thôi. Nhưng việc viết không phụ thuộc vào tiền, sách như đam mê của tôi. Tôi đã viết cuốn sách tiếp theo rồi, nhưng khi nào ra mắt thì tôi không dám hứa, như cuốn này tôi hứa ra mắt vào tháng 6 năm kia nhưng bây giờ mới ra được, hứa quá bước không qua. Tôi chỉ hy vọng sắp tới mình có năng lượng, vì có năng lượng mới viết nhanh được.
Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện này!
“Xứ sở miên man” gặt hái được vài kỷ lục như:
– Toàn bộ sách mở bán lượt đầu đã cháy hàng trên nền tảng Shopee chỉ sau 2 tiếng mở link.
– Cuốn sách có bản đặc biệt SOLD OUT SỚM NHẤT trên 2 nền tảng Tiki và Shopee.
– Hơn 6.3M lượt hashtag #xusomienman trên nền tảng TikTok sau ngày phát hành.
– Cuốn sách đứng Top search trên Google với 19.700.000 kết quả chỉ trong vòng 0.27 giây.
Lam Khánh thực hiện