Cách đây 69 năm, 26/4/1954, các thử nghiệm lâm sàng vắc-xin bại liệt do Jonas Salk bào chế với sự tham gia của 1,8 triệu trẻ em đã được bắt đầu tại Trường tiểu học Franklin Sherman ở McLean, Virginia. Các trẻ em ở Hoa Kỳ, Canada và Phần Lan đã tham gia vào các thử nghiệm này, lần đầu tiên sử dụng phương pháp mù đôi (double-blind) mà giờ đây đã thành tiêu chuẩn, theo đó, cả bệnh nhân và bác sĩ điều trị đều không biết liệu loại thuốc được tiêm là vắc-xin hay giả dược.
Ảnh: The History
Chỉ tính từ đầu thế kỷ 20, bệnh bại liệt đã xảy ra ở hầu hết các châu lục như Na Uy, Thụy Điển (Châu Âu) vào năm 1905 và số bệnh nhân tăng mạnh vào các thập niên 1950-1955. Ở Mỹ, riêng năm 1952 có 21.269 trường hợp bại liệt được ghi nhận. Từ những năm 1955-1960 khi vắc xin bại liệt bắt đầu được sử dụng thì tỷ lệ mắc và chết đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, ở các nước đang và kém phát triển thì bệnh bại liệt vẫn còn là thách thức lớn tới sức khoẻ con người, đặc biệt ở trẻ em.
Bệnh bại liệt là bệnh do virus polio (poliovirus) có khả năng lây nhiễm cao và tồn tại từ thời cổ đại, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ nhỏ và có thể dẫn đến bại liệt. Căn bệnh này lên đến cấp đại dịch trong suốt nửa đầu thế kỷ 20. Virus lây truyền từ người sang người chủ yếu qua đường phân – miệng (nguồn nhiễm thông thường như nước hoặc thực phẩm bị ô nhiễm) và nhân lên trong ruột, từ đó nó có thể xâm nhập vào hệ thống thần kinh và gây ra tê liệt.
Triệu chứng ban đầu của bệnh bại liệt bao gồm sốt, mệt mỏi, nhức đầu, nôn mửa, cứng cổ và đau chân tay. Tuy nhiên, với những người bị nhiễm bệnh nặng sẽ phát triển thêm các triệu chứng khác nghiêm trọng hơn gây ảnh hưởng đến não và tủy sống như: chứng dị cam (cảm giác kim đâm ở chân), viêm màng não (nhiễm trùng bao phủ tủy sống hoặc não). Những triệu chứng nghiêm trọng này chỉ xảy ra với tỷ lệ nhỏ, khoảng 1 trong số 25 người bị mắc nhiễm bệnh bại liệt. Tuy nhiên, triệu chứng nghiêm trọng nhất của bệnh bại liệt là tê liệt, bởi vì nó có thể dẫn đến tàn tật vĩnh viễn và tử vong.
Người đứng sau loại vắc-xin này là bác sĩ và nhà dịch tễ học sinh ra tại New York Jonas Salk (1914-1995). Các thử nghiệm lâm sàng năm 1954, cuộc thử nghiệm lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ vào thời điểm bấy giờ, được chỉ đạo bởi đồng nghiệp cũ của Salk tại Đại học Michigan, Tiến sĩ Thomas Francis, Jr.
Nhà khoa học và bác sĩ người Mỹ Jonas Salk đã phát triển vắc-xin bại liệt. Ảnh: Getty
Nhưng, vào cuối những năm 1950, bác sĩ và nhà virus học người Ba Lan Albert Sabin (1906-1993) đã thử nghiệm một loại vắc-xin bại liệt dạng uống (OPV) mà ông đã tạo ra từ một loại virus sống giảm độc. Loại vắc-xin này dễ bảo quản và sản xuất rẻ hơn vắc-xin Salk đã được sử dụng ở Hoa Kỳ vào đầu những năm 1960, và cuối cùng đã thay thế vắc-xin Salk để trở thành loại vắc-xin được lựa chọn ở hầu hết các quốc gia.
Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt được chẩn đoán mắc bệnh bại liệt vào năm 1921 ở tuổi 39 và bị liệt từ thắt lưng trở xuống, và ông buộc phải sử dụng thanh giằng chân và xe lăn trong suốt quãng đời còn lại. Năm 1938, Roosevelt đã giúp thành lập Quỹ Quốc gia vì Trẻ em Bại liệt, sau đó đổi tên thành “March of Dimes”. Tổ chức này chịu trách nhiệm tài trợ cho nhiều nghiên cứu liên quan đến căn bệnh này, bao gồm các thử nghiệm vắc-xin Salk.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 1988 là năm mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu được đưa ra, trên thế giới vẫn còn khoảng 350.000 bệnh nhân bị mắc bệnh bại liệt hoang dại tại 125 quốc gia. Nhưng đến năm 2013, sau thời gian 25 năm, số ca đã giảm xuống chỉ còn 417 trường hợp. Đến năm 2018, số ca bại liệt hoang dại chỉ còn 33 ca và hầu hết các nước được xác nhận thanh toán bệnh bại liệt hoang dại. Ở Việt Nam, những năm trước khi có vắc xin đã xảy ra các dịch lớn vào năm 1957-1959. Tỷ lệ bại liệt năm 1959 là 126,4/100.000 dân, từ năm 1962 khi Việt Nam chế tạo thành công vắc xin bại liệt sống giảm độc lực Sabin (OPV) thì tỷ lệ mắc và tử vong đã giảm đáng kể và không có các vụ dịch xảy ra. Sau thống nhất đất nước 1975, do kiên trì và mở rộng Chương trình tiêm chủng mở rộng, nên hơn 90% trẻ em được uống vắc xin bại liệt mỗi năm. Đến năm 2000, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố Việt Nam đã thành công trong khống chế bệnh bại liệt trên toàn quốc. Nghĩa là Việt Nam đã không còn một bệnh nhân bại liệt nào do vi rút bại liệt hoang dại gây nên. Theo luật các bệnh truyền nhiễm đã được Chính phủ Việt Nam ban hành, mọi trẻ em đều phải được tiêm chủng phòng bệnh, bởi không chỉ phòng cho bản thân mà còn phòng cho cả cộng đồng, phòng cho những trẻ không thể có cơ hội tiêm chủng do mắc các bệnh tự miễn, không đủ sức khỏe để tiêm vắc xin.
Ngày nay, bệnh bại liệt đã được loại bỏ trên toàn thế giới nhờ có vắc-xin. Tuy nhiên, vẫn chưa có cách chữa trị cho căn bệnh này và nó vẫn tồn tại ở một số ít các quốc gia Châu Phi và Châu Á.
Hương Giang (tổng hợp)