Mở lòng giao tiếp, không chỉ bằng lời mà bằng tất cả mọi thứ, bằng sự cảm thông, quan tâm, lắng nghe, bằng ngôn ngữ cơ thể… với Huy chính là chìa khóa đã giúp anh dần vượt qua tình trạng tiêu cực của mình.
Sự kiện nhận được sự quan tâm đặc biệt từ khán giả và bạn bè trong giới, không chỉ bởi các tác phẩm của John Huy Trần luôn mang đến những trải nghiệm độc đáo và đáng nhớ, mà còn vì niềm đồng cảm và xúc động được thấy lại anh trên sân khấu sau hành trình quá đỗi gian nan vừa qua.
“1 năm, 4 năm, và chắc có lẽ cả đời”
Buổi giới thiệu MENtal HEALth PLAYlist vì vậy diễn ra đầy cảm xúc. Không có những hỏi đáp, phỏng vấn khô khan như thường lệ.
Thay vào đó là âm nhạc sôi nổi, những màn trình diễn vũ đạo tương tác ngẫu hứng trên sân khấu của các vũ công và bạn bè; tâm tình rưng rưng của John Huy Trần, những tiếng cười, những cái ôm ấm áp và động viên.
Đứng dưới sân khấu, Nhiệm Huỳnh, bạn đời của John Huy Trần, thở phào nhẹ nhõm khi họp báo kết thúc trong thân tình, ấm cúng: “Anh cứ lo không hoàn thành được. May quá, anh Huy đã ổn và sẵn sàng rồi!”.
Đó là nỗi lo luôn hiện hữu bốn năm qua, vì cả hai đã cùng nhau trải qua quá nhiều bất trắc. Sau show diễn Gaia thành công rực rỡ cuối năm 2019, sức khỏe của John Huy Trần đột ngột rơi vào bất ổn.
Từ một biên đạo múa luôn tràn đầy năng lượng tích cực và đam mê, anh bỗng suy sụp, bị rối loạn cảm xúc và trầm cảm. Huy không chỉ bất ổn nặng về tâm lý mà còn ảnh hưởng cả cơ thể vật lý, triệu chứng nghiêm trọng đến mức có thời gian dài anh né tránh tiếp xúc và sợ hãi bước ra khỏi phòng.
Mọi thứ càng lúc càng khó khăn. Việc chấp nhận bản thân mắc hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và phải điều trị là cú sốc quá sức chịu đựng với người luôn tự tin “mình khỏe” như Huy.
Anh còn phải đối mặt với những cơn hoảng loạn co giật rúm ró cả người, khó thở cả tiếng đồng hồ.
Những lúc cơ thể đột nhiên mất sức, quỵ ngã và chìm sâu xuống một hố đen bất tận. Những “bóng ma” ảo giác tiêu cực luôn lấp ló, chực chờ túm anh rơi vào vòng xoáy hỗn loạn bế tắc.
Những lần phải đổi thuốc, những giờ trị liệu tâm lý đầy giận dữ, bất an và nức nở khi không biết liệu còn điều tệ hại nào sẽ đến…
“Ban đầu bác sĩ nói có thể mất một năm để phục hồi. Huy đã than trời ơi, sao lâu dữ vậy? Sau một năm, Huy khá hơn và nghĩ đã ổn rồi, có thể trở lại rồi, không ngờ mọi thứ lại tiếp diễn và còn tệ hơn. Cứ thế hai năm, rồi bốn năm.
Đến giờ thì Huy biết có lẽ mình sẽ sống với điều này cả đời. Nhưng không sao, giờ thì biết rồi. Nên Huy sẽ tự động viên mình: bình tĩnh, chậm lại, hít thở, lắng nghe, học cách chấp nhận và yêu thương bản thân, mở lòng ra để giao tiếp, chia sẻ, giúp đỡ những ai giống mình, và tiếp tục chữa lành” – John Huy Trần cười.
Anh gầy hơn nhưng cơ thể đã khỏe nhiều, dần thích nghi với việc tập múa trở lại và sẵn lòng trò chuyện với nụ cười tươi cùng ánh mắt như thấu suốt, đầy nhạy cảm.
Những khoảnh khắc yêu của John Huy Trần
John Huy vẫn còn e ngại khi phải giao tiếp, một điều rất khác với chính anh ngày xưa. Huy bảo nếu nói có báo chí muốn phỏng vấn, anh sẽ áp lực và không muốn trả lời.
Nhưng khi Nhiệm bảo: anh ơi, các bạn muốn trò chuyện cùng anh, Huy sẽ yên tâm: à, có người muốn trò chuyện cùng mình.
Tất nhiên thật khó để làm được điều đó, nhất là những lúc Huy “chạm đáy”. Anh không chỉ phải đối mặt những triệu chứng nghiêm trọng mà cả nỗi sợ hãi người bên cạnh sẽ chán ghét, rời đi vì bản thân anh trở nên xa lạ và không còn là chính mình nữa.
Những lúc đó thật tốt nếu có người vẫn đủ kiên nhẫn, vẫn dùng mọi cách để thể hiện: em vẫn ở đây, em muốn trò chuyện cùng anh.
Có người cần và muốn san sẻ, điều giản dị đó có ý nghĩa lớn lao vô cùng với người đang rơi vào tình trạng như Huy. Anh tin đó là cách tốt để khởi đầu hành trình kết nối, và giúp người mình thương qua cơn trầm cảm.
Bốn năm, điều may mắn và biết ơn nhất với John Huy Trần là anh luôn có bạn đời Nhiệm Huỳnh bên cạnh, và vẫn giữ khát vọng phục hồi chứ không buông xuôi. Anh nỗ lực hợp tác điều trị, kiên trì mở camera ghi lại nhật ký lúc mình hỗn loạn để sau đó có thể phân biệt đâu là thực, đâu là ảo giác.
Anh làm các tập phim tài liệu chia sẻ cùng những ai đồng bệnh để động viên nhau. Và trong những thời điểm đen tối nhất trước cơn quỵ ngã, anh vẫn cố gọi: Nhiệm ơi, Nhiệm ơi, help me!
Hơn hai thập niên quen nhau, yêu và kết hôn, Nhiệm vẫn luôn là người đồng hành hỗ trợ John Huy cả trong đời sống lẫn các dự án nghệ thuật. Và cả hai vẫn mong có thêm nhiều năm nữa bên nhau.
Đàn ông cũng cần được quan tâm
Điều gì thôi thúc John Huy trở lại để dàn dựng show MENtal HEALth PLAYlist (hay Men Heal Play), hướng đến chủ đề sức khỏe tâm lý đặc biệt dành cho nam giới, dù anh biết mình vẫn chỉ ổn ở mức 80%?
Vì Huy nhận ra xung quanh cũng có nhiều người gặp phải vấn đề về sức khỏe tâm lý và rất cần sự động viên, san sẻ. Trong đó có không ít trường hợp là nam giới.
“Có lẽ đàn ông Á Đông vẫn còn chịu nhiều áp lực, định kiến phải luôn mạnh mẽ, không được yếu đuối, không được khóc, không bộc lộ cảm xúc, đừng khác biệt, phải sống giống như mọi người…
Từ nhỏ Huy đã luôn bị nói như vậy. Rồi khi gia đình rời Việt Nam sang Canada và rất nhiều biến cố khác vô tình tạo nên những tổn thương trong ký ức mà mình không biết. Tất cả có lẽ đã tích tụ, dồn nén và đến lúc cơ thể vượt mức chịu đựng thì Huy thế này.
Nên mình nghĩ đàn ông cũng rất cần được mọi người xung quanh san sẻ, quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần, được nói ra cảm xúc một cách thoải mái, bình đẳng mà không bị định kiến sao lại quá nhạy cảm, mỏng manh thế?” – John Huy bộc bạch.
Thông qua tác phẩm kết hợp nhiều thể loại nghệ thuật tương tác độc đáo, anh hy vọng khán giả sẽ có dịp khám phá, chia sẻ những trạng thái cảm xúc phức tạp trong nội tâm mỗi người với tinh thần cởi mở; đồng cảm với những ai đang phải đối mặt với thách thức về sức khỏe tinh thần và lan tỏa sự tự tin, động viên khả năng khám phá, phục hồi và chữa lành bản thân.
MENtal HEALth PLAYlist do biên đạo múa John Huy Trần dàn dựng, các nghệ sĩ múa UDG (Urban Dance Group) thể hiện, đồng tổ chức cùng 11:11 d’Artistes.
Tác phẩm không chỉ là một show diễn múa, mà còn là một ý tưởng nghệ thuật tương tác táo bạo, kết hợp giữa vũ đạo, biểu diễn âm nhạc, sắp đặt và hội thảo chuyên đề xuyên suốt từ 28-3 đến 6-4 tại không gian nghệ thuật 11:11 Espace (TP.HCM).