Miếng thịt ba rọi “98% mỡ” khiến du khách tức giận.

Phố thịt lợn đen Geonip-dong ở hòn đảo Jeju, nơi nổi tiếng với các nhà hàng thịt nướng, yên tĩnh lạ thường vào ngày 3/6. Lợn đen là giống lợn đặc trưng của Hàn Quốc được phân biệt bởi da và lông màu đen.

Hầu hết nhà hàng, ngoại trừ những nơi chỉ mở cửa vào ban đêm, đều hoạt động nhưng có rất ít hoặc không có khách hàng nào. Một số chủ cửa hàng ra giữa đường phố để mời chào thực khách.

Tại một nhà hàng, chỉ có một nhóm du khách nước ngoài đang thưởng thức bữa trưa, trong khi khách du lịch trong nước hiếm khi xuất hiện trên đường phố, theo JoongAng.

Con phố nhộn nhịp trước đây đang ngày một vắng vẻ, sau khi một khách du lịch ẩn danh đăng bức ảnh chụp món thịt ba rọi “98% mỡ” ở một nhà hàng địa phương vào cuối tháng 4. Miếng thịt quá nhiều mỡ đã gây ra sự phẫn nộ trong công chúng, những người từ lâu đã chán nản với đồ ăn quá đắt đỏ ở Jeju.

jeju anh 1

Jeju không còn là điểm đến hấp dẫn với khách du lịch trong nước.

Một người buôn bán họ Yang (43 tuổi) cho biết: “Con phố đã phải chịu đựng Covid-19, nhưng lượng du khách đã giảm hơn một nửa sau khi hình ảnh miếng thịt toàn mỡ lan truyền ồ ạt trên mạng”.

Các chủ nhà hàng ở Jeju cho biết vụ việc đã ảnh hưởng xấu đến lượng khách du lịch nội địa, vốn chiếm tới 90% lượng du khách. Sau vụ miếng thịt ba rọi, những du khách khác bắt đầu đăng bài về trải nghiệm tồi tệ của họ với đồ ăn quá đắt ở Jeju.

Một du khách cho biết đã trả 160.000 won (116 USD) cho món galchi (món cá), trong khi một du khách khác chi hơn 100.000 won cho đồ uống và món tráng miệng trong 4 ngày. Để đối phó với phản ứng dữ dội, một số nhà hàng cá thu đã giảm giá cá nướng từ 12.000 won xuống còn 10.000 won. Nhưng chỉ chừng đó thôi là chưa đủ.

Mạng xã hội Hàn Quốc lan truyền nhiều bài đăng cho rằng các chuyến đi đến Nhật Bản hoặc các nước Đông Nam Á tiết kiệm chi phí hơn so với du lịch Jeju, khiến vấn đề càng trở nên phức tạp.

Theo Hiệp hội Du lịch Jeju, tính đến ngày 2/6 năm nay, có 5,01 triệu khách du lịch nội địa đến thăm Jeju, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số khách du lịch đạt 13,89 triệu vào năm 2022 nhưng đã giảm xuống còn 13,37 triệu vào năm ngoái, giảm 3,7%.

Khách du lịch nội địa chứng kiến ​​mức giảm lớn hơn là 8,3%, xuống còn 12,66 triệu vào năm 2023 từ mức 13,80 triệu vào năm 2022. Vì khách nội địa chiếm phần lớn lượng du khách đến Jeju, sự sụt giảm này đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các nhà hàng địa phương.

jeju anh 2

Các chuyên gia cho rằng Jeju cần cải thiện chất lượng và giá thành dịch vụ nếu muốn “cứu” ngành du lịch.

Theo Hiệp hội Du lịch Jeju, chi tiêu của khách du lịch trong quý đầu tiên, tính bằng giao dịch thẻ tín dụng, đã giảm 12,7% xuống 541,59 tỷ won so với cùng kỳ năm ngoái, tức là 620,56 tỷ won.

Số chuyến bay nội địa đến Sân bay Quốc tế Jeju cũng giảm 530 chuyến, tương đương 2%, tổng cộng có 25.579 chuyến bay, với ít hơn 125.630 ghế trống, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, các chuyến bay quốc tế đến Jeju và số ghế sẵn có lại tăng hơn gấp ba lần trong cùng kỳ, đạt 4.658 chuyến bay và 851.110 ghế.

Để đối phó với sự sụt giảm lượng khách du lịch nội địa, đảo Jeju sẽ thành lập ủy ban ứng phó khẩn cấp để đổi mới lĩnh vực du lịch. Ủy ban gồm khoảng 25 thành viên sẽ bao gồm đại diện của ngành du lịch, quan chức của các tổ chức liên quan và nhóm chuyên gia.

Ủy ban sẽ tìm hiểu vấn đề, phát triển giải pháp để khôi phục lại ngành du lịch. Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ Du lịch Jeju sẽ được thành lập. Tổ chức Du lịch Jeju và Hiệp hội Du lịch Jeju sẽ hợp tác để cung cấp thông tin du lịch và giải quyết kịp thời các khiếu nại liên quan đến du lịch.

Các chuyên gia cho rằng Jeju cũng phải cung cấp dịch vụ chất lượng với giá cả hợp lý và cải tiến chiến lược tiếp thị để khơi dậy sự quan tâm của công chúng.

Hong Seong-hwa, giáo sư ngành Quản lý Du lịch tại Đại học Quốc gia Jeju, nhấn mạnh tính cấp thiết của việc thay đổi hình ảnh tiêu cực của Jeju. “Cùng với các doanh nghiệp trong ngành du lịch, chúng ta cần tăng cường hoạt động ‘tiếp thị Jeju’ mang tính đổi mới và độc đáo nhằm khơi dậy sự tò mò của mọi người đến mức khiến họ muốn đến thăm hòn đảo”, giáo sư Hong nói.

Theo Znews

Cậu bé Việt 14 tuổi tìm việc giữa trời Âu, giờ là chủ 9 nhà hàng lớn ở ĐứcTừ vùng quê nghèo (thôn Thượng Lộc, Nghi Vạn, Nghi Lộc, Nghệ An) Tuyền sang Đức khi mới 14 tuổi, trải qua những năm tháng bơ vơ, đói ăn nhưng dứt khoát tìm con đường ngay thẳng, chân chính để thay đổi cuộc đời mình.