Vàng thanh tại Ngân hàng trung ương CH Séc ở Praha. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá vàng lần đầu tiên vượt mốc 2.800 USD/ounce vào ngày 31/1 và tiếp tục chạm mức cao kỷ lục 2.830,49 USD/ounce vào phiên 3/2. Đây không chỉ là một hiện tượng nhất thời mà là kết quả của một chuỗi các yếu tố đan xen, cả về chính trị, kinh tế và tài chính. Một trong những nguyên nhân chính là sự gia tăng lo ngại về chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã thông báo áp thuế 25% lên hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico từ 4/2 (song lại tạm hoãn khoảng 1 tháng để đàm phán), đồng thời cân nhắc tăng thuế 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Những động thái này đã tạo ra một làn sóng bất ổn trong thương mại quốc tế, khiến các nhà đầu tư đổ xô tìm đến vàng như một tài sản trú ẩn an toàn. Điều này khiến nhu cầu mua vàng tăng vọt và đẩy giá kim loại quý này lên các đỉnh cao mới.

Không chỉ có căng thẳng thương mại, mà sự bất ổn trong chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng đóng góp vào sự tăng giá của vàng. Với việc Chủ tịch Fed Jerome Powell phát đi tín hiệu "không vội cắt giảm lãi suất", đi ngược lại với lời kêu gọi hạ lãi suất của Tổng thống Trump, thị trường càng trở nên bất ổn hơn, khiến vàng trở thành lựa chọn đầu tư hấp dẫn. Thêm vào đó, những dấu hiệu lạm phát gia tăng tại Mỹ, thể hiện qua số liệu chi tiêu tiêu dùng tăng cao, củng cố quan điểm rằng vàng là một kênh đầu tư phòng ngừa rủi ro hiệu quả.

Trong lịch sử, vàng luôn là một kênh đầu tư được ưu tiên trong thời kỳ kinh tế bất ổn. Trong 5 năm qua, giá của kim loại quý này đã tăng khoảng 77% và trong hai thập kỷ qua, giá vàng đã tăng 564%. Nhu cầu từ các ngân hàng trung ương vẫn ở mức cao, đặc biệt là Trung Quốc, cũng là một yếu tố không thể bỏ qua. Điều này thúc đẩy đà tăng giá trong dài hạn. Đáng chú ý là, trong tháng 1/2025, giá vàng đã ghi nhận mức tăng hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 3/2024, tăng hơn 7% so với tháng trước đó, cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của kim loại quý này. Hơn nữa, tình trạng khan hiếm nguồn cung vàng, thể hiện qua việc thời gian chờ đợi rút vàng từ Ngân hàng trung ương Anh (BoE) kéo dài đến 8 tuần, là một minh chứng cho thấy nhu cầu thực tế trên thị trường là rất lớn.

Hướng về tương lai, các chuyên gia đưa ra những dự báo khác nhau về triển vọng giá vàng trong năm 2025. Ông Nigel Green, Giám đốc điều hành (CEO) của deVere Group, dự đoán vàng sẽ tiếp tục tăng giá trong bối cảnh bất ổn gia tăng, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục đầu tư bằng cách tăng cường nắm giữ vàng. Goldman Sachs cũng có chung quan điểm khi dự báo giá vàng có thể đạt 3.000 USD/ounce vào cuối năm 2025, dù dự báo này được đưa ra trước khi có các động thái về thuế quan của ông Trump. Trong khi đó, các chiến lược gia của JPMorgan cũng dự báo rằng giá vàng trung bình năm 2025 sẽ đạt 2.950 USD/ounce, và có tiềm năng tăng lên 3.000 USD/ounce.

Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan như vậy. Chuyên gia Emma Wall từ công ty dịch vụ tài chính Anh Hargreaves Lansdown tin rằng vàng sẽ giữ giá, nhưng không có khả năng tăng đột phá. Một số chuyên gia khác cũng nhận định rằng, sự bất ổn và các chính sách khó đoán của Chính phủ Mỹ có thể gây ra nhiều biến động cho giá vàng trong năm 2025. Theo ông Suki Cooper từ ngân hàng Standard Chartered, giá vàng có thể được hỗ trợ bởi việc Fed cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm, nhưng yếu tố này có thể suy giảm trong nửa cuối năm. Ngoài ra, đồng USD mạnh lên nhờ niềm tin vào sự phục hồi kinh tế Mỹ cũng có thể khiến nhu cầu đối với vàng giảm sút.

Giá vàng đang phản ánh những bất định của thời đại, mở ra cơ hội tiềm năng cho nhà đầu tư nhưng cũng đi kèm không ít thách thức. Sự kết hợp của các yếu tố như căng thẳng thương mại, lo ngại lạm phát và chính sách tiền tệ khó đoán định đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho vàng. Mặc dù xu hướng tăng có vẻ chiếm ưu thế, với nhiều dự đoán về khả năng giá vàng sẽ vượt mốc 3.000 USD/ounce, nhưng sự chi phối của các yếu tố vĩ mô và địa chính trị khó lường khiến việc đưa ra các dự báo tiềm ẩn nhiều bất ngờ.

Theo baotintuc.vn