Ngày 14/6, Chính phủ Italy ban hành sắc lệnh cho phép giảm tốc độ tối đa của các phương tiện lưu thông trên một số tuyến đường cao tốc.
Các cao tốc này nằm gần hoặc đi qua các khu vực đô thị đang trong tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Theo đó, giới chức các vùng ở Italy được phép điều chỉnh giảm tạm thời hoặc vĩnh viễn giới hạn tốc độ tối đa của các phương tiện di chuyển trên đường cao tốc “trong trường hợp cần hạn chế khí thải từ các phương tiện giao thông để giảm nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí”.
Giới hạn tốc độ chạy xe tối đa trên các tuyến cao tốc chính của nước này hiện tại là 130km/h và có thể giảm xuống còn 110km/h.
Chính phủ Italy mong muốn thông qua sắc lệnh mới, có thể giảm số vụ kiện vi phạm quy tắc bảo môi trường chung của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào quốc gia này. Ủy ban châu Âu thường thực hiện hành động pháp lý đối với Rome vì vi phạm quy định môi trường trong khối.
Italy là một trong những quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất ở châu Âu. Theo dữ liệu năm 2022 của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), tỉ lệ tử vong sớm do phơi nhiễm bụi mịn (PM2.5) ở Italy cao nhất trong số các quốc gia trong khu vực, với 59.500 ca tử vong.
EEA hôm 24/4/2023 cũng từng cảnh báo ô nhiễm không khí vẫn gây ra hơn 1.200 ca tử vong sớm mỗi năm ở những người dưới 18 tuổi tại châu Âu.
Bất chấp những cải thiện gần đây, “mức độ ô nhiễm không khí ở nhiều nước châu Âu vẫn cao hơn mức hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới” (WHO), theo EEA.
EEA đưa ra cảnh báo trên sau một nghiên cứu về hơn 30 quốc gia, trong đó có 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU), theo AFP.
Nghiên cứu mới không đề cập các quốc gia công nghiệp lớn như Nga, Ukraine và Anh, cho thấy tổng số người trẻ chết ở châu Âu vì ô nhiễm không khí có thể cao hơn, theo AFP.
EEA hồi tháng 11/2022 thông báo trong năm 2020 có 238.000 người chết sớm vì ô nhiễm không khí ở EU cùng với Iceland, Liechtenstein, Na Uy, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ.
“Ô nhiễm không khí gây ra hơn 1.200 ca tử vong sớm mỗi năm ở những người dưới 18 tuổi ở châu Âu và làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh sau này trong đời”, EEA cảnh báo, theo AFP.
EEA kêu gọi các nhà chức trách tập trung vào việc cải thiện chất lượng không khí xung quanh các trường học và nhà trẻ cũng như các cơ sở thể thao và trung tâm giao thông công cộng.
“Sau khi sinh, ô nhiễm không khí xung quanh làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe, bao gồm hen suyễn, giảm chức năng phổi, nhiễm trùng đường hô hấp và dị ứng”, EEA lưu ý trong nghiên cứu.
Chất lượng không khí kém cũng có thể “làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính như hen suyễn, căn bệnh ảnh hưởng đến 9% trẻ em và thanh thiếu niên ở châu Âu, cũng như làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính sau này khi trưởng thành”, theo EEA.
M.H (t/h theo Giao Thông, Thanh Niên)