Theo Reuters, cùng với các bức ảnh về xe tăng, một số hình ảnh được công bố hôm 29.10 (giờ địa phương) cho thấy các binh sĩ Israel vẫy cờ ở sâu bên trong Gaza.
Chiến sự ác liệt
Quân đội Israel ngày 29.10 tuyên bố đã tấn công hơn 450 mục tiêu của Hamas, bao gồm các trung tâm chỉ huy tác chiến, các trạm canh gác và trạm phóng tên lửa chống tăng chỉ trong vòng 24 giờ. Ông Daniel Hagari, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), cho biết nước ông đang đang dần mở rộng hoạt động trên bộ và phạm vi lực lượng ở Dải Gaza.
Trong khi đó, Hamas đã nã súng cối nhắm vào lực lượng Israel ở phía bắc Gaza và đã bắn tên lửa vào xe tăng của Israel.
Miền Trung Israel cũng hứng chịu hỏa lực tên lửa dữ dội. Còi báo động đã vang lên ở một số thành phố lớn. Lữ đoàn Al-Qassam, cánh vũ trang của Hamas, xác nhận đang ném bom Tel Aviv. Sau đó, lực lượng này tiếp tục đụng độ với Israel ở phía tây bắc Gaza và tuyên bố đã đốt cháy 2 xe tăng của đối thủ. Chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không lên tiếng về thông tin này.
Cũng có những lo ngại về sự lan rộng của xung đột ra khỏi Gaza, khi quân đội Israel và lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn đang đấu súng ở Li Băng. Đã có một số vụ phóng tên lửa hoặc súng cối từ Li Băng vào lãnh thổ của Israel và nước này đang bắn trả.
Viện trợ nhân đạo
Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine cho biết hôm 29.10, 24 xe tải chở thực phẩm và thuốc men đã đến Gaza qua cửa khẩu Rafah của Ai Cập, nâng tổng số cho đến nay lên 118 chiếc, một phần nhỏ so với nhu cầu cần thiết. Đây là đoàn xe viện trợ lớn nhất kể từ khi giao tranh Hamas-Israel nổ ra. Tuy nhiên, các nhân viên hỗ trợ nhân đạo cho biết số hàng trên vẫn chưa thể lấp đầy những thiếu hụt. Hàng nghìn người đã đột nhập vào các nhà kho để trộm bột mì và các sản phẩm vệ sinh cơ bản, Reuters đưa tin.
Một lãnh đạo hàng đầu của Hamas cùng ngày cũng kêu gọi Ai Cập thực hiện hành động “quyết đoán” để đẩy nhanh viện trợ cho Gaza, theo AFP. Trong khi đó, công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế Karim Khan cũng đã đến thăm cửa khẩu Rafah, nơi ông cho rằng việc ngăn chặn hàng cứu trợ dân thường vô tội có thể cấu thành tội ác và kêu gọi Israel hợp tác.
Trước các áp lực, ông Elad Goren, lãnh đạo đơn vị phụ trách các vấn đề dân sự tại Palestine (COGAT) thuộc Bộ Quốc phòng Israel, cho biết Israel sẽ cho phép tăng viện trợ đáng kể cho Gaza trong những ngày tới và thường dân Palestine nên đến “khu vực nhân đạo” ở phía nam lãnh thổ nhỏ bé này.
Tính đến cuối ngày 29.10, cơ quan y tế ở Dải Gaza xác nhận 8.005 người, trong đó có 3.324 trẻ vị thành niên, đã thiệt mạng do giao tranh. Tổng dân số ở khu vực này trước chiến sự là 2,3 triệu. Văn phòng truyền thông của chính quyền Gaza do Hamas điều hành cho biết 116 bác sĩ và 35 nhà báo đã thiệt mạng kể từ khi xung đột nổ ra.
Palestine nỗ lực tìm giải pháp
Tờ The Guardian ngày 30.10 dẫn lời Thủ tướng Palestine Mohammed Shtayyeh cho biết sau khi xung đột Hamas-Israel kết thúc, chính quyền của ông sẽ không quay lại quản lý Gaza nếu các bên không có thỏa thuận toàn diện, trong đó Bờ Tây thuộc về nhà nước Palestine.
“Tôi nghĩ điều chúng ta cần là một tầm nhìn toàn diện, hòa bình. Bờ Tây cần một giải pháp, sau đó liên kết Gaza với giải pháp đó trong khuôn khổ 2 nhà nước”, ông Shtayyeh phát biểu tại phòng làm việc ở TP.Ramallah (Bờ Tây).
Palestine cũng kêu gọi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp ở Ả Rập, điều mà ông Shtayyeh hy vọng sẽ diễn ra vào ngày 10.11, để khôi phục sự thống nhất trong việc thành lập một nhà nước Palestine hoạt động hiệu quả.
Thủ tướng Shtayyeh cho rằng để đạt được một giải pháp hòa bình lâu dài, chính quyền Mỹ sẽ phải thể hiện vai trò lãnh đạo. Ông đồng thời lưu ý rằng ông Joe Biden là Tổng thống Mỹ đầu tiên trong thời gian gần đây nhậm chức mà không có sáng kiến hòa bình Trung Đông.