Tổng thống Israel Isaac Herzog, trong một cuộc phỏng vấn với Đài Sky News (Anh) hôm 14/4, cho biết Israel đang “xem xét mọi lựa chọn” sau cuộc tấn công ồ ạt bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa của Iran nhằm vào Israel một ngày trước đó, đồng thời mô tả sự kiện này là một “lời tuyên chiến”.
“Mỗi người trong chúng ta nên nhìn và tự hỏi, chúng ta sẽ làm gì nếu bị tấn công một cách hung hãn như vậy”, ông Herzog nói với hãng truyền thông Anh.
Khi được hỏi liệu ông có nghĩ rằng Israel nên đáp trả các cuộc tấn công bằng cách trả đũa Iran hay không, Tổng thống Herzog nói Israel đang “cân nhắc mọi lựa chọn”.
“Bây giờ, vì chúng tôi đang bị kiềm chế và vì chúng tôi biết những hậu quả cũng như vì chúng tôi đã cân nhắc với các đối tác của mình, nên chúng tôi đang xem xét tất cả các lựa chọn. Và tôi khá tin tưởng rằng chúng tôi sẽ thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ người dân của mình. Chúng tôi đang làm như vậy. Chúng tôi không phải những người tìm kiếm chiến tranh”, ông Herzog nói.
Nội các thời chiến tranh do Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chủ trì đã họp vào chiều 14/4 để thảo luận về các phản ứng có thể có đối với cuộc tấn công quy mô lớn của Iran nhắm trực tiếp vào Israel. Hãng tin AP dẫn lời một quan chức Israel quen thuộc với các cuộc đàm phán cho biết tính đến cuối ngày vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.
Khi được AP hỏi về kế hoạch trả đũa, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari, người phát ngôn Quân đội Israel (IDF), từ chối bình luận trực tiếp. Ông chỉ nói: “Chúng tôi đang ở trạng thái sẵn sàng cao độ trên mọi mặt trận.
Trước đó, vào cuối ngày 13/4, Iran đã phát động cuộc tấn công để đáp trả cuộc tấn công được cho là do Israel thực hiện nhằm vào tòa nhà lãnh sự quán Iran ở Syria hôm 1/4 và khiến 2 tướng cấp cao của Iran thiệt mạng.
Đến sáng 14/4, Iran cho biết cuộc tấn công đã kết thúc và Israel đã mở lại không phận. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên bố, Iran đã dạy cho Israel một bài học và cảnh báo rằng “bất kỳ cuộc phiêu lưu mới nào chống lại lợi ích quốc gia của Iran sẽ gặp phải phản ứng nặng nề và đáng tiếc hơn từ Cộng hòa Hồi giáo Iran”.
Hai bên đã tham gia vào một cuộc chiến trong bóng tối trong nhiều năm, nhưng cuộc tấn công hôm 13/4 là lần đầu tiên Iran tiến hành một cuộc tấn công quân sự trực tiếp vào Israel, bất chấp hàng thập kỷ thù địch kể từ năm 1979.
Israel cho biết khoảng 300 UAV và tên lửa đã được Iran phóng về phía nước này, nhưng hơn 99% những gì Iran bắn đã bị chặn, chỉ một số tên lửa lọt qua được. Một căn cứ không quân của Israel bị thiệt hại nhẹ.
Trong nhiều năm, Israel đã thiết lập – thường là với sự giúp đỡ của Mỹ – một mạng lưới phòng không đa lớp bao gồm các hệ thống có khả năng ngăn chặn nhiều mối đe dọa khác nhau, bao gồm tên lửa tầm xa, tên lửa hành trình, tên lửa tầm ngắn và UAV.
Hệ thống đó, cùng với sự hợp tác với Mỹ và các nước khác, đã giúp ngăn chặn những gì có thể là một cuộc tấn công tàn khốc hơn nhiều vào thời điểm Israel đã can dự sâu vào Gaza cũng như giao tranh cấp thấp ở biên giới phía Bắc với lực lượng dân quân Hezbollah của Lebanon. Cả Hamas và Hezbollah đều được Iran hậu thuẫn.
Trong khi việc ngăn chặn cuộc tấn công dữ dội của Iran có thể giúp khôi phục hình ảnh của Israel sau cuộc tấn công của Hamas vào tháng 10 năm ngoái, những gì quốc gia có quân đội được trang bị tốt nhất ở Trung Đông làm tiếp theo sẽ được theo dõi chặt chẽ trong khu vực và từ các thủ đô phương Tây.
Hamas hoan nghênh cuộc tấn công của Iran, nói rằng đó là “quyền tự nhiên và phản ứng xứng đáng” đối với cuộc tấn công ở Syria. Họ kêu gọi các nhóm được Iran hậu thuẫn trong khu vực tiếp tục hỗ trợ Hamas trong cuộc chiến.
Hezbollah cũng hoan nghênh cuộc tấn công. Gần như ngay sau khi giao tranh ở Gaza nổ ra, Hezbollah bắt đầu tấn công biên giới phía Bắc của Israel. Hai bên đã tham gia vào các cuộc đấu súng hàng ngày, trong khi các nhóm được Iran hậu thuẫn ở Iraq, Syria và Yemen đã phóng rocket và tên lửa về phía Israel.
Minh Đức (Theo AP, Newsmax, A News)