Nhà thầu quốc phòng Rafael của Israel ngày 14.6 thông báo đã phát triển hệ thống tên lửa đánh chặn Sky Sonic trong vòng 3 năm và sẽ ra mắt lần đầu tại Triển lãm hàng không Paris (Pháp) vào tuần sau. Các quan chức của công ty nói đã được Bộ Quốc phòng Israel cho phép công bố sản phẩm.
Tờ Times of Israel dẫn thông báo của công ty cho biết Sky Sonic là bước nhảy vọt công nghệ phòng thủ chống tên lửa bội siêu thanh.
“Được thiết kế với các năng lực linh hoạt và tốc độ cao phi thường, hệ thống có thể vô hiệu hóa hiệu quả các tên lửa bội siêu thanh với độ chính xác và tàng hình vô song”, Rafael tuyên bố. Tên lửa bội siêu thanh có vận tốc gấp 5 lần tốc độ âm thanh.
Israel có hệ thống đánh chặn tên lửa bội siêu thanh đầu tiên
Công ty Israel không nói khi nào Sky Sonic sẵn sàng để đưa vào sử dụng nhưng cho hay sẽ thử nghiệm lần đầu trong tương lai gần.
Chủ tịch Rafael Yuval Steinitz, người từng lãnh đạo nhiều bộ của Israel, nói rằng công ty đã nhận diện mối đe dọa tiềm tàng từ tên lửa bội siêu thanh từ nhiều năm trước và đã lập một dự án nghiên cứu và phát triển. “Chúng tôi đang đi theo sự phát triển và những mối đe dọa mới nổi trong bối cảnh an ninh hiện tại và đang phát triển các hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất”, ông nói.
Vị quan chức lưu ý rằng hệ thống phòng thủ tên lửa tầm trung David’s Sling của Rafael, vốn đang được quân đội sử dụng, về kỹ thuật có thể đối phó tên lửa bội siêu thanh nhưng hệ thống mới Sky Sonic được phát triển chuyên cho mối đe dọa này.
Thông báo của Rafael được đưa ra sau khi Iran, đối thủ chính của Israel, gần đây tuyên bố đã phát triển một loại tên lửa bội siêu thanh mới tên là Fattah.
Tên lửa bội siêu thanh có vận tốc từ Mach 5 (6.125 km/giờ) trở lên và Iran nói tên lửa Fattah có thể đạt vận tốc Mach 15 (18.375 km/giờ). Hầu hết hệ thống phòng không ngăn chặn mối đe dọa ở độ cao đến 20 km trong khi các hệ thống chống tên lửa đạn đạo có thể chặn mục tiêu bên ngoài khí quyển, tức là khoảng 70 km từ mặt đất.
Hệ thống Sky Sonic được thiết kế để ngăn chặn tên lửa bội siêu thanh ở độ cao 20-70 km, tầm không gian mà tên lửa đó thường di chuyển linh hoạt để tránh bị các hệ thống phòng không truyền thống bắn hạ.
Iran ra mắt tên lửa đạn đạo bội siêu thanh nội địa đầu tiên
Các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc hay Nga đều đang phát triển tên lửa bội siêu thanh. Nga thậm chí tuyên bố đã sử dụng vũ khí này trong cuộc xung đột tại Ukraine. Moscow nói đã sử dụng tên lửa bội siêu thanh Kinzhal để phá hủy hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất của Ukraine. Trong khi đó, Ukraine lại nói đã sử dụng Patriot để bắn hạ tên lửa Kinzhal.
Rafael là một trong những nhà thầu quốc phòng lớn của Israel, đã phát triển các hệ thống vũ khí hàng đầu của nước này như hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn Iron Dome (Vòm sắt) trứ danh và loại tên lửa chống tăng Spike.
Rafael cũng đang phát triển hệ thống đánh chặn bằng laser năng lượng cao tên là Iron Beam, được cho là vũ khí có tiềm năng thay đổi cuộc chơi trong cuộc chiến chống các mối đe dọa trên không.