Thông tin về việc ISIS-K nhận trách nhiệm vụ tấn công khủng bố khiến ít nhất 133 người chết và gần 200 người bị thương tại một trung tâm thương mại ở Moscow hôm 22/3 được gửi tới công chúng qua nền tảng nhắn tin Telegram. Trong đó, trang tin Amaq có liên kết với ISIS-K, đã cho biết nhóm này đã tổ chức và thực hiện vụ tấn công.
IS công bố ảnh những kẻ tấn công ở Nga
Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hôm thứ Bảy đã công bố một bức ảnh về những gì họ nói là 4 kẻ tấn công trong vụ khủng bố đẫm máu ở Moscow vào thứ Sáu.
“Vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh cuộc chiến khốc liệt giữa Nhà nước Hồi giáo và các quốc gia chống Hồi giáo”, trang tin Amaq của nhóm này cho biết thêm trong một tuyên bố trích dẫn các nguồn tin an ninh.
IS đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công nhưng Nga vẫn cho rằng có mối liên hệ với Ukraine, bất chấp sự phủ nhận mạnh mẽ từ các quan chức Ukraine rằng Kiev không liên quan gì đến vụ việc này.
Hiện chưa rõ thực hư của thông tin trên ra sao. Nhưng trước tiên, để hiểu được bức tranh toàn cảnh, cần xem xét ISIS-K là nhóm khủng bố như thế nào, và nếu quả thực chúng thực hiện vụ tấn công đẫm máu tại Moscow thì động cơ đằng sau hành động vô nhân tính đó là gì?
Phiên bản tàn bạo hơn của Taliban
ISIS-K được thành lập vào năm 2015 bởi các thành viên bất mãn của Taliban ở Pakistan, những người muốn theo đuổi một phiên bản Hồi giáo bạo lực hơn.
Được đặt tên là Tỉnh Khorasan – một thuật ngữ cũ để chỉ khu vực bao gồm các phần của Iran, Turkmenistan và Afghanistan, viết tắt là ISIS-K, nhóm này bắt đầu hoạt động ở miền đông Afghanistan từ cuối năm 2014 và theo đuổi một phiên bản Hồi giáo tàn bạo hơn cả Taliban.
Là một trong những chi nhánh hoạt động tích cực nhất của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhóm ISIS-K đã chứng kiến số lượng thành viên của mình giảm kể từ khi đạt đỉnh điểm vào khoảng năm 2018.
Cho tới năm 2021, hàng ngũ của ISIS-K bị suy giảm gần một nửa, xuống còn khoảng 1.500 đến 2.000 chiến binh do hậu quả của sự kết hợp giữa các cuộc không kích của Mỹ và các cuộc trấn áp của biệt kích Afghanistan khiến nhiều thủ lĩnh của nhóm thiệt mạng.
ISIS-K đã gặp phải đợt sóng gió thứ hai đầy kịch tính ngay sau khi Taliban lật đổ chính phủ Afghanistan vào năm đó. Trong thời gian quân đội Mỹ rút khỏi đất nước, ISIS-K đã thực hiện một vụ đánh bom liều chết tại sân bay Kabul vào tháng 8 năm 2021 khiến 13 lính Mỹ và 170 thường dân thiệt mạng.
Cuộc tấn công đã nâng cao vị thế quốc tế của ISIS-K, coi tổ chức này là mối đe dọa lớn đối với khả năng cai trị của Taliban. Nhưng kể từ đó, Taliban càng trấn áp quyết liệt ISIS-K ở Afghanistan. Cho đến nay, các lực lượng an ninh của Taliban đã ngăn chặn nhóm này chiếm giữ lãnh thổ hoặc tuyển mộ số lượng lớn các cựu chiến binh Taliban chán nản trong thời bình.
Vươn vòi bạo lực ra ngoài Afghanistan
Taliban đã kiềm tỏa được ISIS-K, không cho chúng mở rộng địa bàn ở Afghanistan. Nhưng bên ngoài Afghanistan, Mỹ và nhiều đồng minh chống khủng bố của họ vẫn coi nhóm này là một mối đe dọa nguy hiểm cho an ninh toàn cầu.
Tướng Michael Kurilla, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, nói với Quốc hội Mỹ vào tháng 3 năm ngoái rằng ISIS-K đang nhanh chóng phát triển khả năng tiến hành “các hoạt động bên ngoài” ở châu Âu và châu Á. Ông Kurilla dự đoán ISIS-K sẽ có thể tấn công các lợi ích của Mỹ và phương Tây bên ngoài Afghanistan “chỉ trong vòng sáu tháng và có rất ít hoặc không có cảnh báo”.
ISIS-K có lịch sử tấn công tàn bạo, bao gồm cả các cuộc tấn công vào nhà thờ Hồi giáo, trong và ngoài Afghanistan. Các quan chức chống khủng bố ở châu Âu cho biết ISIS đang tìm cách mở rộng các hoạt động bên ngoài của mình ra ngoài “sân nhà” và trong những tháng gần đây họ đã dập tắt một số âm mưu mới của ISIS-K nhằm vào các mục tiêu ở châu Âu.
Trong một bài đăng trên tài khoản Telegram chính thức của mình vào tháng 1 năm nay, ISIS-K cho biết tổ chức này đứng sau vụ đánh bom khiến 84 người thiệt mạng ở Kerman (Iran), trong lễ tưởng niệm Thiếu tướng Qassim Suleimani – người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ vào năm 2020.
ISIS-K, vốn đã nhiều lần đe dọa Iran về những gì bọn chúng cho là đa thần và bội giáo. Nhóm này cũng nhận trách nhiệm về một số cuộc tấn công trước đó ở Iran.
Có một thông tin đáng chú ý là vào tháng 9 năm 2022, ISIS-K cũng đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom liều chết tại Đại sứ quán Nga ở Kabul, khiến 2 nhân viên sứ quán thiệt mạng.
Và bây giờ, ISIS-K nhận trách nhiệm về vụ tấn công đẫm máu ở Trung tâm mua sắm và biểu diễn nghệ thuật Crocus City Hall, ngoại ô Thủ đô Moscow của Nga.
Colin Clarke, nhà phân tích chống khủng bố tại Soufan Group, một công ty tư vấn an ninh có trụ sở tại New York (Mỹ), cho biết: “ISIS-K đã tập trung sự chú ý của chúng vào Nga trong hai năm qua” và thường xuyên chỉ trích Tổng thống Vladimir Putin trong các hoạt động tuyên truyền của chúng”.
Nhà phân tích Colin Clarke lý giải rằng ISIS-K tấn công Moscow vì sự can thiệp quân sự của Moscow ở đối với phong trào của người Hồi giáo ở Afghanistan, Chechnya và Syria trong những năm qua.
Quang Anh