Ngày 22/5, Israel đã triệu hồi các phái viên của nước này ở Ireland và Na Uy để “tham vấn khẩn cấp” trước các động thái dự kiến của chính phủ hai nước châu Âu nhằm chính thức công nhận một Nhà nước Palestine.
Ireland và Na Uy công nhận Nhà nước Palestine, Israel triệu hồi đại sứ ‘khẩn cấp’, tuyên bố không để yên. (Nguồn: Getty Images) |
Theo hãng tin AFP, trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Israel Israel Katz nói: “Hôm nay, tôi sẽ gửi một thông điệp sắc bén tới Ireland và Na Uy: Chúng tôi sẽ không bỏ qua vấn đề này trong im lặng. Tôi vừa yêu cầu triệu hồi các đại sứ từ Dublin và Oslo về nước để tham vấn thêm”.
Trước đó, cùng ngày, phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store cho biết, nước này sẽ công nhận Nhà nước Palestine bắt đầu từ ngày 28/5.
Theo AFP, các nước khác gồm Ireland và Tây Ban Nha cũng tổ chức họp báo vào ngày 22/5 để thông báo về quyết định công nhận Nhà nước Palestine.
Tháng trước, Tây Ban Nha và Ireland, những nước đấu tranh lâu dài cho quyền của người Palestine, cùng với Malta và Slovenia đã tuyên bố rằng họ sẽ nỗ lực hướng tới việc công nhận Nhà nước Palestine.
Những nỗ lực này được thúc đẩy trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza ngày càng gia tăng, khiến cộng đồng quốc tế kêu gọi một lệnh ngừng bắn và giải pháp lâu dài cho hòa bình trong khu vực.
Trước đó, Mỹ và nhiều nước khác ở Tây Âu cho biết, họ sẵn sàng công nhận Nhà nước Palestine vào một thời điểm nào đó trong tương lai, song đặt ra yêu cầu đạt được thỏa thuận về các vấn đề cốt lõi như vấn đề đường biên giới cuối cùng và vị thế tương lai của Jerusalem.
Tối 10/5 (giờ địa phương) tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi Hội đồng Bảo an xem xét ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này.
Giải pháp hai nhà nước là ý tưởng thiết lập hai nhà nước có lãnh thổ tách biệt, trong đó một cho người Israel và một cho người Palestine. Khái niệm này xuất hiện trước khi nhà nước Israel thành lập năm 1948, thời điểm kết thúc quyền ủy trị của người Anh đối với Palestine. Tuy nhiên, bạo lực và chiến tranh bùng phát trong những thập kỷ sau đó đã cản trở nỗ lực này.
Trong hiệp định Oslo do Mỹ làm trung gian đàm phán ký kết năm 1993, Israel chấp nhận Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là đại diện của người Palestine, trong khi PLO công nhận quyền tồn tại hòa bình của Israel. Hai bên nhất trí rằng, chính quyền Palestine sẽ chịu trách nhiệm quản lý Bờ Tây và Dải Gaza, mang hy vọng về lộ trình hiện thực hóa mô hình hai nhà nước.
Hiện nay, hầu hết người ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho rằng, Israel nên đưa biên giới với Palestine về vị trí trước cuộc chiến 6 ngày năm 1967.
Nguồn: https://baoquocte.vn/ireland-va-na-uy-cong-nhan-nha-nuoc-palestine-israel-trieu-hoi-dai-su-khan-cap-tuyen-bo-khong-de-yen-272193.html