Bộ trưởng Ngoại giao Ireland Micheal Martin nói rằng mặc dù Tòa án Thế giới sẽ quyết định liệu tội ác diệt chủng có được thực hiện hay không, nhưng ông muốn làm rõ rằng cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas và những gì đang xảy ra ở Gaza hiện nay “thể hiện sự vi phạm trắng trợn về luật nhân đạo quốc tế trên quy mô lớn”.
“Việc bắt giữ con tin. Cố tình từ chối hỗ trợ nhân đạo cho dân thường. Nhắm mục tiêu vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự. Sử dụng bừa bãi vũ khí nổ ở các khu vực đông dân cư. Sử dụng các vật thể dân sự cho mục đích quân sự. Hình phạt tập thể đối với toàn bộ dân cư… Nó phải dừng lại. Quan điểm của cộng đồng quốc tế rất rõ ràng. Thế là đủ rồi”, ông tuyên bố
Vào tháng 1, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), còn được gọi là Tòa án Thế giới và là tòa án cấp cao nhất của Liên hợp quốc, đã ra lệnh cho Israel kiềm chế mọi hành động có thể vi phạm Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng và đảm bảo quân đội của họ không có hành vi diệt chủng chống lại người Palestine.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Nam Phi cáo buộc Israel phạm tội diệt chủng trong chiến dịch tấn công Hamas ở Gaza. Israel và các đồng minh phương Tây mô tả cáo buộc này là vô căn cứ. Phán quyết cuối cùng trong vụ kiện của Nam Phi ở tòa án tại Den Haag, Hà Lan này có thể mất nhiều năm.
Theo thống kê của Israel, cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas vào Israel đã giết chết 1.200 người và khiến hơn 250 người bị bắt làm con tin. Theo cơ quan y tế do Hamas điều hành ở Gaza, kể từ đó, cuộc tấn công của Israel vào Gaza đã giết chết hơn 32.000 người Palestine.
Vốn là nhà đấu tranh cho các quyền của người Palestine, Cộng hòa Ireland tuần trước đã cùng với Tây Ban Nha, Malta và Slovenia thực hiện những bước đầu tiên hướng tới công nhận tư cách nhà nước do người Palestine tuyên bố ở Bờ Tây bị Israel chiếm đóng và ở Dải Gaza.
Israel nói với các nước trên rằng kế hoạch của họ tạo thành một “phần thưởng cho chủ nghĩa khủng bố”, sẽ làm giảm cơ hội đạt được một giải pháp thương lượng cho cuộc xung đột này.
Bùi Huy (theo Reuters)