Các lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu khí của Iran được đưa ra vào năm 2018, sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Xuất khẩu dầu của Iran giảm nhanh chóng, từ 2 triệu thùng/ngày xuống 0,7 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu khai thác trong nước giảm từ 3,8 triệu thùng/ngày xuống 2,5 triệu thùng/ngày vào năm 2019 và xuống dưới 2 triệu thùng/ngày vào năm 2020.
Từ sau khi Tổng thống J.Biden nhậm chức, Mỹ đã tiến hành đàm phán với Iran để khôi phục thỏa thuận hạt nhân và dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Quá trình này gặp nhiều khó khăn và vẫn chưa hoàn thành, nhưng hoạt động sản xuất của Iran đang dần hồi phục.
Các dữ liệu không chính thức (vì các tàu chở dầu của Iran thường ẩn vị trí và sử dụng nhiều cách khác nhau để né tránh các cơ quan quản lý) mới nhất từ các nguồn khác nhau cho thấy sản lượng xuất khẩu dầu của Iran đang ở mức cao nhất kể từ năm 2018.
Theo dữ liệu của Bloomberg, trong năm 2023, đại diện của Mỹ và Iran đã tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức và đạt được một số thỏa thuận. Điều này bao gồm việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Iran. Mỹ quan tâm đến việc giảm bớt tình trạng thiếu nguồn cung dầu trên thị trường thế giới, đồng thời tìm cách hỗ trợ cho đối thủ cạnh tranh của các hãng dầu mỏ Nga ở khu vực châu Á.
Hiện nay, Mỹ vẫn giám sát chặt chẽ dòng chảy thương mại sang châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng làm ngơ trước sự gia tăng nguồn cung dầu mỏ sang Trung Quốc. Trang web theo dõi tàu chở dầu toàn cầu TankerTrackers.com ước tính Iran đang xuất khẩu sang Trung Quốc tới hơn 2 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Vào tháng 5/2023, Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính sản lượng khai thác dầu của Iran ở mức 3 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ năm 2018. Theo cơ quan này, sản lượng khai thác trong tháng 8/2023 có thể còn cao hơn.
Dầu mỏ của Iran sẽ ảnh hưởng đến giá dầu thế giới ra sao
Sự tăng trưởng nguồn cung là một yếu tố khiến giá dầu giảm sút. Theo dự đoán của các cơ quan đánh giá thị trường Nga, tiềm năng tăng trưởng sản lượng khai thác của Iran là khoảng 0,8 triệu thùng/ngày trong tình huống khả quan nhất.
Tuy nhiên, trong thời gian ngừng hoạt động do bị cấm vận, một phần các giếng dầu có thể bị hỏng. Do đó, mức tăng từ 0,3–0,5 triệu thùng/ngày có vẻ thực tế hơn trong khoảng thời gian 6–8 tháng sắp tới.
Điều đáng chú ý là trong mùa hè, sản lượng khai thác 3 triệu thùng/ngày của Iran đã không giúp thị trường dầu mỏ quốc tế thoát khỏi tình trạng thiếu hụt. Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ trong các tháng 7-8/2023 đã khiến lượng tồn kho toàn cầu giảm nhanh chóng, trở thành một trong những yếu tố khiến giá dầu tăng.
Tình trạng đó buộc Mỹ phải quan tâm đến việc nới lỏng trừng phạt đối với Iran nhằm giảm bớt tình trạng thiếu nhiên liệu và kiềm chế dầu mỏ tăng giá. Lợi ích của hai nước khác nhau ở nhiều điểm, nhưng chúng trùng khớp trong việc gia tăng nguồn cung dầu mỏ.
Dự báo, ngoài Iran, một số biện pháp nới lỏng nhất định có thể được thực hiện đối với Venezuela, một quốc gia sản xuất dầu khác đang bị Mỹ trừng phạt. Tuy nhiên, do thiếu đầu tư vào năng lực sản xuất trong dài hạn, Venezuela khó có khả năng tăng sản lượng trong thời gian ngắn. Do đó, tiềm năng tăng trưởng nguồn cung dầu mỏ từ nước này trong năm 2024 là rất hạn chế.
(Theo bcs-express)