AP đưa tin, Iran và Ả Rập Xê Út ngày 10/3 đã đồng ý thiết lập lại quan hệ ngoại giao và mở lại các đại sứ quán sau 7 năm căng thẳng leo thang. Bước đột phá ngoại giao quan trọng do Trung Quốc làm trung gian được xem sẽ làm giảm khả năng xảy ra xung đột vũ trang giữa 2 kỳ phùng địch thủ ở Trung Đông.
Theo AP, diễn biến này cũng được xem là thành tựu ngoại giao của Trung Quốc ở Trung Đông, giúp Bắc Kinh gia tăng vị thế ở khu vực này, trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của Mỹ có dấu hiệu suy giảm trong thời gian qua. Động thái này đến trong bối cảnh các nhà ngoại giao đang nỗ lực để khép lại cuộc nội chiến ở Yemen khi Iran và Ả Rập Xê Út mỗi bên ủng hộ một phe trong xung đột.
Trung Quốc tuyên bố, họ sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc xử lý đúng đắn các vấn đề nóng trên thế giới, phù hợp với mong muốn của tất cả các quốc gia và thể hiện trách nhiệm của một nước lớn.
Tuyên bố chung kêu gọi thiết lập lại quan hệ và mở lại các đại sứ quán giữa 2 đối thủ ở Trung Đông có thời hạn tối đa 2 tháng. Hai bên cũng có kế hoạch tổ chức cuộc họp giữa các ngoại trưởng. Trung Quốc nói rằng, cả 2 bên đều thể hiện sự chân thành và Bắc Kinh hoàn toàn ủng hộ việc này.
Liên hợp quốc hoan nghênh diễn biến nói trên và đánh giá cao vai trò của Trung Quốc. “Mối quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa Iran và Ả Rập Xê Út là điều cần thiết cho sự ổn định của vùng Vịnh”, người phát ngôn Liên hợp quốc Stéphane Dujarric cho biết.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, Mỹ cũng hoan nghênh “bất kỳ nỗ lực nào giúp chấm dứt chiến tranh ở Yemen và giảm căng thẳng ở khu vực Trung Đông”.
Yemen đang trải qua cuộc nội chiến dai dẳng giữa lực lượng Houthi thân Iran và lực lượng chính phủ thân Ả rập Xê út. Xung đột đã dẫn tới hàng chục nghìn người chết và gây ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất trên thế giới, theo Liên Hợp Quốc.
Iran và Ả Rập Xê Út là đối thủ của nhau trong nhiều năm qua khi 2 nước đều có tầm ảnh hưởng lớn tới khu vực. Ả Rập Xê Út cắt đứt quan hệ với Iran năm 2016 sau khi người biểu tình ở Tehran xông vào cơ sở ngoại giao của Riyadh tại Iran. Vài ngày trước đó, Ả Rập Xê Út đã hành quyết một giáo sĩ Shiite nổi tiếng cùng với 46 người khác – diễn biến gây ra các cuộc biểu tình ở Iran 7 năm trước.
Tôn giáo đóng vai trò chủ chốt trong quan hệ giữa 2 nước. Dù cả 2 theo Hồi giáo, nhưng Ả Rập Xê Út theo dòng Sunni và Iran theo dòng Shiite. Ngoài Yemen, 2 nước cũng cạnh tranh lợi ích ở một số nước khác, ví dụ ở Li Băng hay Iraq.
Trước đó, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất đạt thỏa thuận tương tự với Iran. Các diễn biến này cho thấy các nước Hồi giáo trong khu vực có xu hướng xích lại gần nhau.
Mark Dubowitz, người đứng đầu Tổ chức Bảo vệ các nền Dân chủ (Mỹ), nhận định rằng việc Iran và Ả Rập Xê Út nối lại quan hệ thông qua trung gian là Trung Quốc gây ra bất lợi cho lợi ích của Mỹ ở khu vực.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết: “Tôi sẽ kiên quyết bác bỏ ý kiến cho rằng chúng ta đang lùi bước ở Trung Đông – còn lâu điều đó mới xảy ra”.