Trước làn sóng chỉ trích và áp đặt trừng phạt mới nhất của Mỹ và châu Âu, với cáo buộc bán tên lửa đạn đạo cho Nga, Iran đã phản ứng khá hạn chế, chủ yếu bao gồm các tuyên bố chính thức từ các quan chức.
Hôm 11/9, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tuyên bố rằng Tehran không gửi bất kỳ tên lửa nào cho Nga.
“Một lần nữa, Mỹ và EU hành động dựa trên thông tin tình báo sai lệch và logic sai lầm – Iran không chuyển giao tên lửa đạn đạo cho Nga”, ông Araghchi cho biết trong một bài đăng trên X/Twitter.
“Những người nghiện trừng phạt nên tự hỏi: Làm thế nào Iran có thể sản xuất và được cho là bán vũ khí tinh vi? Trừng phạt không phải là giải pháp mà là một phần của vấn đề”, nhà ngoại giao hàng đầu của quốc gia Trung Đông tuyên bố.
Những phản ứng có kiểm soát này cho thấy một cách tiếp cận thận trọng của Tehran: Tìm cách quản lý hậu quả ngoại giao mà không làm căng thẳng leo thang thêm.
Hãng thông tấn Fars có liên hệ với Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) cũng phủ nhận tin tức này, trích dẫn “một nguồn tin quân sự có hiểu biết” nói rằng Iran không gửi tên lửa đạn đạo cho Nga. Hãng Fars tuyên bố tin tức này là một phần của cuộc chiến tâm lý chống lại Tehran.
Hôm 12/9, nhà phân tích Ali Bigdeli có trụ sở tại Tehran tỏ ra đồng tình khi nói với một trang tin địa phương rằng, những cáo buộc liên quan đến việc bán tên lửa là một phần của âm mưu nhằm gây sức ép lên Iran.
Nhà phân tích này cho rằng việc gia tăng áp lực được thực hiện trùng thời điểm với các cuộc họp theo kế hoạch của Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian với các nhà lãnh đạo châu Âu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sắp tới tại New York vào cuối tháng này.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dimitry Peskov hôm 11/9 đã phủ nhận tin tức, nói rằng các báo cáo về nguồn cung cấp tên lửa từ Iran là không chính xác. Tuy nhiên, ông Peskov gọi Tehran là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Moscow.
Trước đó, Mỹ, Anh, Pháp và Đức hôm 10/9 cáo buộc Iran đã chuyển tên lửa đạn đạo tầm ngắn cho Nga để sử dụng ở Ukraine, tuyên bố các lệnh trừng phạt mới sẽ nhanh chóng được áp đặt theo sau đó.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đưa ra thông báo này trong chuyến thăm London tại một cuộc họp báo với người đồng cấp Anh, David Lammy.
Chính phủ Pháp, Anh và Đức đã ra tuyên bố chung lên án việc chuyển giao tên lửa mà Iran bị cáo buộc thực hiện, gọi đây là “sự leo thang của cả Iran và Nga” và “mối đe dọa trực tiếp đến an ninh châu Âu”.
Họ cho biết họ đã nêu rõ trong những cảnh báo liên tục trong những tuần gần đây rằng “các biện pháp mới và đáng kể chống lại Iran” sẽ được áp dụng nếu tên lửa được chuyển giao.
“Chúng tôi sẽ thực hiện các bước ngay lập tức để hủy bỏ các dịch vụ hàng không song phương với Iran. Ngoài ra, chúng tôi sẽ theo đuổi việc chỉ định các tổ chức và cá nhân chủ chốt liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và việc chuyển giao tên lửa đạn đạo, các loại vũ khí khác cho Nga. Chúng tôi cũng sẽ nỗ lực áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran Air”, tuyên bố chung của 3 nước châu Âu cho biết.
Ông Blinken cũng đã phác thảo các kế hoạch tương tự từ phía Mỹ, một lần nữa tập trung vào Iran Air và ngành hàng không của quốc gia Trung Đông này.
Một danh sách trừng phạt được cập nhật trên trang web của Bộ Tài chính Mỹ nêu chi tiết các lệnh trừng phạt mới áp dụng đối với 10 công dân Iran cùng 5 công ty Iran trong ngành vận tải và cơ khí bị cáo buộc có liên hệ với IRGC và Nga.
Minh Đức (Theo Iran International, DW)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/iran-phan-ung-than-trong-voi-lenh-trung-phat-cua-my-va-eu-lien-quan-den-nga-204240913105513541.htm