“Ba vệ tinh của Iran đã được đưa vào quỹ đạo lần đầu tiên”, đài truyền hình quốc gia Iran thông báo ngày 28.1, thêm rằng các vệ tinh đã được phóng nhờ vào tên lửa đẩy 2 tầng Simorgh (nghĩa là Phượng hoàng).
Quỹ đạo tối thiểu của vệ tinh là 450 km so với mặt đất. Một trong các vệ tinh vừa được phóng có tên Mahda, trọng lượng khoảng 32 kg và do Cơ quan Không gian Iran phát triển. Mahda được thiết kế để thử nghiệm các hệ phóng phụ của vệ tinh hiện đại.
Hai vệ tinh còn lại, tên lần lượt Kayhan 2 và Hatef, có trọng lượng dưới 10 kg và dùng để thử nghiệm công nghệ định vị trên không gian cũng như liên lạc viễn thông băng tần hẹp, Hãng thông tấn IRNA bổ sung.
Theo AFP, gần 1 tuần trước, Iran đã phóng vệ tinh nghiên cứu Soraya của IRGC vào không gian. Tuy nhiên, Anh, Pháp và Đức đã lên án vụ phóng này vì lâu nay phương Tây luôn cho rằng công nghệ tương tự có thể được sử dụng cho các dòng tên lửa đạn đạo, bao gồm tên lửa thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân.
Iran-Pakistan ăn miếng trả miếng: Chuyện gì đang xảy ra?
Tehran lên tiếng bác bỏ, nhấn mạnh nước này không tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân, và vệ tinh cũng như tên lửa đẩy được phát triển nhằm mục đích dân sự hoặc phòng thủ.
Trước khi thành công đưa vệ tinh vào quỹ đạo, Iran cũng trải qua một số lần phóng thất bại. Và phải đợi đến tháng 4.2020, nước này mới phóng thành công vệ tinh quân sự đầu tiên tên Nour-1.