Bà Nicke Widyawati, Giám đốc điều hành Pertamina, cho biết hãng dầu khí quốc gia Indonesia có kế hoạch bắt đầu sản xuất cồn sinh học từ mía và sắn trong năm nay, sau khi tiến hành sản xuất hydro xanh sử dụng năng lượng địa nhiệt.
Indonesia thúc đẩy sử dụng cồn sinh học từ mía và sắn làm nhiên liệu nhằm cắt giảm nhập khẩu nhiên liệu và lượng khí thải carbon. (Nguồn: Jakatar Post) |
Indonesia – quốc gia sử dụng nhiên liệu sinh học từ dầu cọ lớn nhất thế giới – đã và đang nỗ lực đưa ra các quy định bắt buộc về sử dụng cồn sinh học làm nhiên liệu nhằm cắt giảm nhập khẩu nhiên liệu và lượng khí thải carbon, song việc cung cấp nguyên liệu vẫn là một trở ngại.
Phát biểu tại một hội nghị vào ngày 28/6, bà Widyawati cho hay: “Năm nay, chúng tôi sẽ tung ra sản phẩm mới là cồn sinh học từ mía và sắn. Có rất nhiều nguyên liệu có thể được sử dụng. Dầu cọ dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học, mía và sắn dùng để sản xuất ethanol”.
Các quy định về sử dụng nhiên liệu sinh học đã giúp Indonesia cắt giảm hàng tỷ USD từ các hóa đơn nhập khẩu xăng dầu. Năm 2022, Pertamina đã công bố mục tiêu bắt đầu sản xuất thử nghiệm hydro trong năm nay tại một nhà máy địa nhiệt trên đảo Sumatra.
Bà Widyawati nhấn mạnh: “Indonesia may mắn có tiềm năng địa nhiệt rất lớn, vào khoảng 27GW, song hiện chưa tới 10% trong số đó được khai thác để sản xuất điện. Pertamina có mục tiêu tham vọng là tăng gấp 2-3 công suất trong 5-7 năm tới. Địa nhiệt không chỉ để sản xuất điện mà còn cả hydro xanh”.