Truyền thông Indonesia ngày 17/6 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto cho biết Jakarta hiện đang đàm phán với Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) để mua một số chiến đấu cơ Dassault Mirage 2000-9 sau khi xác nhận hợp đồng mua phiên bản cũ hơn của loại máy bay này từ Qatar.
Chiến đấu cơ Mirage 2000-9 của UAE. (Nguồn: Defense Express) |
Phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng Prabowo cho hay, nếu thỏa thuận với Abu Dhabi được thông qua, Lực lượng Không quân Indonesia (TNI AU) sẽ có thể nhanh chóng trẻ hóa phi đội “già cỗi” của mình.
Ông Prabowo nói: “Chúng tôi hiện đang đàm phán với UAE. Họ cũng có các chiến đấu cơ Mirage 2000-9. Tôi hy vọng rằng quá trình đàm phán sẽ diễn ra suôn sẻ và chúng tôi có thể sớm mua được chúng trong vòng 5 năm tới trước khi các hợp đồng mua máy bay mới được bàn giao”.
Trước đó, hôm 15/6, Bộ Quốc phòng Indonesia xác nhận đã mua 12 chiến đấu cơ Mirage 2000-5 đã qua sử dụng với tổng trị giá gần 800 triệu USD từ Qatar nhằm nhanh chóng nâng cấp TNI AU. Hợp đồng này đi kèm với 3 năm dịch vụ hỗ trợ và đào tạo phi công.
Ngày 18/6, nhà sản xuất vũ khí Thales của Pháp và công ty quốc phòng PT Len Industri của Indonesia cũng thông báo Jakarta đã đặt mua 13 radar quân sự tầm xa từ Thales để tăng cường nỗ lực giám sát không phận tại quốc gia quần đảo rộng lớn này.
Trong tuyên bố chung, 2 công ty cho biết các radar Ground Master 400 Alpha (GM400a) sẽ cho phép quân đội Indonesia “được hưởng lợi từ một hình ảnh trên không duy nhất tích hợp khả năng phát hiện tất cả các loại mối đe dọa, từ máy bay phản lực và tên lửa đến các máy bay trực thăng và phương tiện bay không người lái”. Số tiền của hợp đồng kéo dài vài năm này không được tiết lộ, song giá mỗi radar này có giá vài chục triệu USD.
Chủ tịch Thales International, bà Pascale Sourisse cho hay GM400a là radar di động có tầm hoạt động 515 km và “tích hợp khả năng trí tuệ nhân tạo để quản lý lượng dữ liệu khổng lồ mà nó nhận được”.
Theo bà Sourisse, việc mua 13 radar thế hệ mới nhất “cho thấy mối quan tâm của Indonesia đối với việc giám sát không phận xung quanh, vốn liên quan trực tiếp đến tình hình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, nơi Trung Quốc đang khẳng định tham vọng của mình.
Hợp đồng quy định rằng Thales sẽ xây dựng các radar và hệ thống máy tính để xử lý thông tin tiếp nhận được. Trong khi đó, PT Len chịu trách nhiệm xây dựng các trạm để lắp đặt thiết bị, cũng như sản xuất một số thành phần của radar.
Cũng theo bà Sourisse, căng thẳng địa chính trị gia tăng đã dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ trên thị trường radar. Đây là lý do Thales đã chuyển đổi tổ chức công nghiệp và phát triển năng lực sản xuất của mình ở các quốc gia mới cũng như ở Pháp.
Bà Sourisse nói: “Chúng tôi phải thiết lập ở các quốc gia mới để đáp ứng nhu cầu về khối lượng sản xuất cũng như yêu cầu của khách hàng muốn tận dụng các hợp đồng này để phát triển kinh tế đất nước, tạo việc làm và hưởng lợi từ chuyển giao công nghệ để làm chủ các kỹ năng mới”.
Tính đến nay, Thales đã bán hơn 80 radar GM400 và GM400a cho 19 quốc gia trên khắp thế giới.