Ngày 24/10, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) ra thông báo mời thầu nhập khẩu 550.000 tấn gạo loại 5% tấm (trong đó 250.000 tấn từ Thái Lan và 300.000 tấn đến từ các nguồn cung Việt Nam, Pakistan, Myanmar và Campuchia).
Indonesia vừa mời thầu nhập khẩu 550.000 tấn gạo loại 5% tấm, trong đó 250.000 tấn từ Thái Lan và 300.000 tấn đến từ các nguồn cung Việt Nam, Pakistan…(Nguồn: Báo Người lao động) |
Kết quả dự thầu dự kiến được công bố vào ngày 25/10. Đơn vị trúng thầu sẽ giao hàng đến Indonesia trước ngày 30/12/2023 hoặc có thể được gia hạn khi Bulog đã nhận được sự chấp thuận gia hạn giấy phép nhập khẩu từ Chính phủ Indonesia.
Trong những năm gần đây, Indonesia cố gắng tự chủ nguồn cung gạo, nhưng từ cuối năm 2022 do khô hạn bất thường nên họ bắt buộc phải nhập khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Đầu năm 2023, nước này có kế hoạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và ứng phó với hiện tượng El Nino. Tuy nhiên, gần đây họ điều chỉnh mục tiêu, tăng lượng gạo nhập khẩu cả năm lên khoảng 2,4 triệu tấn. Theo kế hoạch năm 2024 quốc gia này sẽ tiếp tục nhập thêm 2 triệu tấn gạo.
Dữ liệu cho thấy Indonesia đã nhập khẩu 1,79 triệu tấn gạo trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/2023, tăng so với mức 288.707 tấn cùng kỳ năm ngoái. Các lô hàng lớn nhất đến từ Thái Lan, tiếp theo là Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan và Myanmar.
Trong bối cảnh Ấn Độ chưa nới lỏng các chính sách hạn chế xuất khẩu gạo; thời tiết khắc nghiệt đang đe dọa nguồn cung toàn cầu, việc Indonesia liên tục mở thầu gạo đã “hâm nóng” thị trường gạo thế giới cũng như Việt Nam.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sau khi giảm vào tuần đầu tháng 10, trong tuần qua giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trở lại với mức tăng 20 USD/tấn. Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/10, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm đang ở mức 643 USD/tấn và gạo 25% tấm ở mức 628 USD/tấn.
Nhận định về gói thầu Bulog, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại dịch vụ Phước Thành 4 – cho biết, thời điểm Philippines áp trần giá gạo và đánh thuế gạo nhập khẩu thì giá gạo xuất khẩu Việt Nam giảm nhẹ, nhưng sau đó họ bỏ áp trần giá nên giá gạo Việt Nam đã tăng lại. Như vậy với gói thầu Bulog cộng với việc Philippines bỏ trần giá gạo sẽ làm giá gạo Việt Nam tăng vọt.
Tuy nhiên theo ông Thành, lúc này không có doanh nghiệp nào dám bán gạo. Ông Thành lý giải: Muốn bán phải có tồn kho, trong khi đó nguồn cung gạo thời điểm này đã cạn và phải chờ tới vụ Thu Đông mới có. “Với diễn biến này chắc chắn giá gạo Việt Nam sẽ khó giảm, ngược lại có thể sẽ tăng thêm. Nhưng nếu tăng cao quá thì các nước khác sẽ giành lấy hết cơ hội bán gạo của Việt Nam, vì Bulog gọi thầu nhiều nước, không riêng Việt Nam”, ông Thành nói.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 9, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,6 triệu tấn, thu về 3,66 tỉ USD. Trong 9 tháng/2023, ASEAN và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam. Trong đó, xuất sang ASEAN đạt 3,82 triệu tấn, tăng 28%; Trung Quốc đạt 859 nghìn tấn, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, lượng gạo xuất sang 2 thị trường đạt 4,68 triệu tấn, chiếm 73% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.