Indonesia là thị trường nhập khẩu quế lớn nhất của Việt Nam trong tháng 9 năm 2024 với 107 tấn, chiếm tỷ trọng gần 50% trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong tháng 9/2024, Việt Nam đã nhập khẩu 216 tấn quế với trị giá đạt 0,5 triệu USD, giảm 14,6% so với tháng trước. Indonesia là nhà cung cấp quế chủ yếu cho Việt Nam trong tháng 9 năm 2024 với 107 tấn, chiếm gần 50% thị phần.
Lũy kế trong 9 tháng đầu năm, nhập khẩu quế về Việt Nam đạt 3.448 tấn với kim ngạch đạt 8,3 triệu USD, giảm 74% về lượng và giảm 76% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu, sau 9 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được 69.350 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 194,2 triệu USD, tăng 2,7% về lượng nhưng giảm 2,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu là Prosi Thăng Long với 9.999 tấn, chiếm 14,4% thị phần.
Indonesia là thị trường nhập khẩu quế lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: Khánh Linh |
Quế là một loại cây thân gỗ, dễ chăm sóc và diện tích trồng quế của Việt Nam lên tới 180.000 ha tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Trữ lượng vỏ quế Việt Nam ước tính khoảng 900.000 – 1.200.000 tấn, sản lượng thu hoạch bình quân 70.000 – 80.000 tấn/năm. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu quế số 1 trên thế giới với kim ngạch đạt trên 292 triệu USD vào năm 2022.
Năm 2023, sản lượng quế xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 34,4% thị phần xuất khẩu trên thế giới với các thị trường tiêu thụ chính như Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Hoa Kỳ… Trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu gần 90.000 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 260 triệu USD, tăng 14,6% về sản lượng nhưng giảm 10,7% về giá trị so với năm 2022.
Cũng theo VPSA, quế được trồng chủ yếu ở Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia giống Casia và Madagascar, Sri Lanka giống Ceylon. Trồng quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, đồng thời đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội của nhiều địa phương.
VPSA cho biết, tiềm năng của vùng nguyên liệu quế của nước ta rất lớn bởi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, nhất là các tỉnh vùng núi phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai và một số nơi như Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam… Nhu cầu về gia vị của thế giới vẫn ở mức cao, không chỉ trong ngành thực phẩm mà còn được tiếp tục nghiên cứu và phát triển ứng dụng trong ngành dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… Việt Nam đã có hàng chục công ty đầu tư dây chuyền chế biến quế hiện đại, cho ra sản phẩm quế xay, quế bột để đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu quế đến gần 100 quốc gia trên thế giới, chiếm 95% thị phần tại thị trường Ấn Độ, 36,5% tại thị trường Hoa Kỳ và 35% thị trường châu Âu. Các sản phẩm quế nước ta đã chiếm lĩnh hầu hết tại các thị trường lớn trên thế giới, tuy nhiên, tỷ lệ xuất khẩu quế đã qua chế biến mới chỉ chiếm 18,6%, đạt 18.659 tấn, trong đó 70% xuất khẩu sang Hoa Kỳ, tỷ lệ xuất khẩu sang châu Âu chỉ chiếm 12%.
Do đó, trong tương lai, ngành quế Việt Nam cần tiếp tục cải thiện chất lượng sau thu hoạch và chế biến để gia tăng xuất khẩu vào các thị trường khó tính châu Âu, Hoa Kỳ…
Nguồn: https://congthuong.vn/indonesia-la-thi-truong-nhap-khau-que-lon-nhat-cua-viet-nam-355954.html