Ngạn ngữ có câu: Lời nói là bạc, im lặng là vàng, với ngụ ý khuyên răn trong cuộc sống mỗi người nên biết chọn sự im lặng để tránh va chạm không cần thiết khiến tình hình phức tạp thêm. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Trong phòng, chống bạo lực gia đình, sự im lặng chưa hẳn lúc nào cũng là vàng.
Ảnh minh họa.
Theo kết quả điều tra gần nhất do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố năm 2021, có tới 90,4% nạn nhân các vụ bạo lực gia đình không lên tiếng phản kháng hoặc chia sẻ, tìm kiếm sự tư vấn, giúp đỡ. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực gia đình, nếu như có sự lên tiếng phản kháng của bên bị bạo hành, có lẽ nhiều vụ bạo lực gia đình đã tìm được giải pháp, chí ít chính quyền, đoàn thể ở địa phương và cơ quan chức năng cũng biết để có biện pháp can thiệp phù hợp.
Được biết, tổng đài tiếp nhận cuộc gọi liên quan đến vấn đề bạo lực trên cơ sở giới và ngôi nhà hỗ trợ tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình đã được thành lập ở nhiều địa phương, nhưng vẫn chưa có nhiều nạn nhận xem đó là lối để họ thoát ra khỏi tình trạng bị bạo lực. Không ít trường hợp phụ nữ, nhiều khi cả nam giới bị bạo hành nhưng không dám vượt lên mặc cảm, định kiến xã hội để lên tiếng đề xuất can thiệp, hỗ trợ. Thậm chí có người được chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể động viên tố giác vi phạm, nhưng vẫn cố tình che giấu. Họ quan niệm rằng, im lặng chịu đựng nỗi đau bản thân trong bốn bức tường nhà dù sao vẫn dễ chịu hơn là để người ngoài nhìn thấy, ảnh hưởng đến danh dự của cả gia đình. Sự im lặng có tính cam chịu ấy tưởng là một cách hy sinh bản thân, nhưng thực tế lại đang là tác nhân làm kìm hãm sự phát triển của xã hội cũng như tính phổ biến, lan tỏa của luật pháp, đẩy nhiều gia đình vào bi kịch.
Pháp luật về gia đình ngày càng được rà soát, sửa đổi, hoàn thiện theo hướng bám sát cuộc sống góp phần bảo vệ phụ nữ và những người yếu thế trong gia đình. Mới nhất là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023 với nhiều điểm mới trao quyền cho chính quyền các địa phương can thiệp, xử lý các vụ việc vi phạm trên địa bàn. Nghĩa là nếu có thông tin về bạo lực gia đình, chính quyền địa phương có thể vào cuộc ngay, ngăn chặn từ sớm các vụ việc vi phạm. Tuy nhiên để có được thông tin bạo lực trong từng gia đình là điều không dễ, bởi sẽ chưa có nhiều người dám vượt lên định kiến để tố giác vi phạm.
Nên nhớ rằng, để góp phần phòng, chống nạn bạo lực gia đình, sự lên tiếng đấu tranh của những người trong cuộc mới thực sự là vàng. Còn nếu như vẫn cứ giữ thái độ im lặng cam chịu, thì pháp luật có thay đổi đến cỡ nào cũng khó để làm thay đổi được cuộc sống.
Hạnh Nhiên