(CLO) Việc áp dụng tuần làm việc ngắn hơn trên toàn quốc mà không cắt giảm lương đã giúp nền kinh tế Iceland vượt lên so với phần lớn các quốc gia châu Âu, theo một nghiên cứu mới công bố.
Từ năm 2020 đến năm 2022, 51% người lao động trong nước đã đồng ý làm việc ít giờ hơn, bao gồm cả tuần làm việc 4 ngày. Hai nhóm nghiên cứu cho biết con số này có thể cao hơn vào thời điểm hiện tại.
Theo Viện Tự chủ (Anh) và Alda (Iceland), nền kinh tế Iceland đã đạt được mức tăng trưởng ấn tượng hơn nhiều quốc gia châu Âu khác trong năm qua. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp của nước này cũng là một trong những tỷ lệ thấp nhất.
“Đây là một câu chuyện thành công đầy bất ngờ: việc giảm giờ làm không chỉ được người lao động ủng hộ mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế Iceland đạt được những kết quả đáng kinh ngạc”, nhà nghiên cứu Gudmundur D. Haraldsson chia sẻ.
Trong hai thử nghiệm lớn từ năm 2015 đến năm 2019, nhân viên khu vực công ở Iceland đã làm việc 35-36 giờ mỗi tuần mà không giảm lương, trong khi trước đó họ thường làm việc 40 giờ mỗi tuần.
Các cuộc thử nghiệm với sự tham gia của 2.500 người, chiếm hơn 1% dân số lao động của Iceland vào thời điểm đó, nhằm mục đích duy trì hoặc tăng năng suất đồng thời cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng năng suất ở hầu hết các nơi làm việc vẫn giữ nguyên hoặc được cải thiện, trong khi sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động tăng “đáng kể”.
Quyết định giảm giờ làm việc đã được áp dụng trên diện rộng tại Iceland sau khi các công đoàn đàm phán thành công.
Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nền kinh tế Iceland đã tăng trưởng mạnh mẽ 5% vào năm 2023, chỉ xếp sau Malta trong khu vực châu Âu. Con số này cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình gần 2% trong khoảng thời gian từ 2006 đến 2015.
Tuy nhiên, IMF dự báo rằng tăng trưởng ở Iceland sẽ chậm lại đáng kể trong năm nay và năm sau.
Theo một đánh giá vào tháng 7, sự suy giảm của nhu cầu nội địa và du lịch, hai động lực tăng trưởng chính, được dự báo sẽ khiến nền kinh tế Iceland, vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch, giảm tốc độ tăng trưởng trong năm 2024.
Viện Tự chủ và Alda cho biết tỷ lệ thất nghiệp thấp của Iceland là “một chỉ báo mạnh mẽ về sức sống của nền kinh tế”.
Theo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF, tỷ lệ thất nghiệp ở Iceland là 3,4% vào năm ngoái, chỉ bằng một nửa mức trung bình của các nền kinh tế tiên tiến ở châu Âu. IMF dự kiến tỷ lệ này sẽ tăng nhẹ lên 3,8% trong năm nay và năm sau.
Đã có một số thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày trên toàn thế giới. Bao gồm một cuộc thử nghiệm thành công vào năm 2022 tại 33 công ty, phần lớn có trụ sở tại Mỹ và CH Ireland.
Hà Trang (theo CNN)
Nguồn: https://www.congluan.vn/iceland-thu-nghiem-tuan-lam-viec-4-ngay-ket-qua-nhu-the-nao-post318622.html