LTS: Ngành y tế TPHCM thời gian qua đã thực sự “thay da, đổi thịt” khi hàng loạt cơ sở mới khang trang, rộng rãi được đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, một số bệnh viện vẫn còn quá tải, người bệnh chen chúc nằm chờ, trong khi những dự án công trình vẫn ì ạch chờ ngày hoàn thiện.
13 năm vẫn… bất động
Bác sĩ Châu Văn Đính, Giám đốc BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM, cho biết, tòa nhà ký túc xá Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (địa chỉ 931 – 937 đường Trần Hưng Đạo, quận 5) được xây dựng vào thập niên 1960, đã và đang xuống cấp rất trầm trọng. Do quá cũ kỹ nên nhiều bức tường, cột và ô văng tòa nhà bị ngấm nước, bong tróc, thậm chí từng mảng bê tông rơi xuống mái nhà phòng mổ và khu hành chính BV. Ngoài ra, tòa nhà cũng không còn đảm bảo an toàn về kết cấu xây dựng, an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh môi trường…, dẫn đến không đảm bảo an toàn tính mạng nhân viên, người lao động, thân nhân người bệnh tại BV.
Theo tìm hiểu của phóng viên, BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM từng rất nhiều lần phải sơ tán khẩn cấp người bệnh khi khu ký túc xá này xảy ra cháy, nước thải từ bô rác của ký túc xá chảy tràn sang gây nhiễm khuẩn khu vực cấp cứu và hành lang BV. BV cũng chỉ có duy nhất một lối đi rộng gần 2m lưu thông bên trong, trong khi mỗi ngày tiếp nhận 5.000 người (kể cả người bệnh và thân nhân) nên cảnh chen chúc, tắc nghẽn từ ngoài cổng vào bên trong BV thường xuyên diễn ra.
Mô hình Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM (cơ sở 2) tại khu 6A, ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh |
Trước thực trạng trên, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương xây mới BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh với quy mô 13 tầng (12 tầng nổi, 1 tầng hầm), có 500 giường bệnh, tổng vốn đầu tư khoảng 1.130 tỷ đồng theo phương thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao). Lúc bấy giờ, TPHCM quyết tâm khởi công xây dựng BV trong quý 4-2010, thời gian thi công dự kiến 32 tháng (tính từ thời điểm bàn giao mặt bằng), nhưng đã 13 năm trôi qua, dự án vẫn… bất động.
Sở Y tế TPHCM từng kiến nghị UBND TPHCM ngưng triển khai dự án theo hình thức BT, chuyển sang nguồn vốn ngân sách của thành phố. Địa điểm dự án cũng được xin chuyển về thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn đang nằm… trên giấy.
Điệp khúc “chờ”
Đối mặt với hiện trạng cơ sở vật chất của BV xuống cấp trầm trọng, số lượng người bệnh ngày càng đông, trong khi dự án xây mới BV đã quá lâu chưa được triển khai; lãnh đạo BV Chấn thương chỉnh hình đã có văn bản xin tiếp nhận tài sản nhà và đất từ BV Truyền máu – Huyết học TPHCM (đã dời về cơ sở mới ở huyện Bình Chánh) tại địa chỉ 201 đường Phạm Viết Chánh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, nhằm phục vụ nhu cầu chăm sóc người bệnh, hạn chế tình trạng quá tải ở cơ sở tại quận 5. Giải pháp này được sự ủng hộ của Sở Y tế TPHCM.
Thân nhân người bệnh phải ngủ dưới gầm giường bệnh nhân tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM |
Ngày 4-8-2023, đơn vị đã có văn bản gửi Sở Tài chính về việc điều chuyển tài sản nhà và đất tại số 201 đường Phạm Viết Chánh, quận 1. Trong văn bản nêu rõ: việc điều chuyển tài sản nhà và đất của BV Truyền máu – Huyết học TPHCM cho BV Chấn thương chỉnh hình làm nơi khám chữa bệnh là cần thiết, phù hợp cho công tác khám chữa bệnh và phát huy hiệu quả việc sử dụng tài sản công.
Phản hồi thông tin này, ngày 21-9, tại buổi họp báo thường kỳ do UBND TPHCM tổ chức, ông Nguyễn Trần Phú, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho biết, trong tháng 9-2023, đơn vị sẽ hoàn thành các thủ tục điều chuyển, bàn giao tài sản từ BV Truyền máu – Huyết học (khu đất tại 201 đường Phạm Viết Chánh, quận 1) sang BV Chấn thương chỉnh hình. Đồng thời, yêu cầu BV Chấn thương chỉnh hình tiến hành khảo sát và lập phương án cải tạo, sửa chữa.
“Sở Tài chính đã thẩm định hoàn tất, thống nhất với đề nghị của Sở Y tế và đang dự thảo văn bản trình UBND TPHCM theo hướng chấp thuận điều chuyển tài sản (bao gồm nhà, đất và tài sản gắn liền với đất) từ BV Truyền máu – Huyết học sang BV Chấn thương chỉnh hình quản lý, sử dụng; đồng thời đề xuất giao Sở Y tế chỉ đạo hai BV tổ chức bàn giao, tiếp nhận và quản lý, sử dụng tài sản theo quy định”, ông Nguyễn Trần Phú thông tin.
Không gian chật chội, nhỏ hẹp bên trong Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM. Ảnh: QUANG HUY |
Tuy nhiên, mới đây, Sở Tài chính TPHCM lại có văn bản khẩn gửi Sở Y tế TPHCM thông tin về khu đất số 201 đường Phạm Viết Chánh, quận 1 có diện tích đất 890,8m2 và diện tích sàn sử dụng 1.632m2 , do BV Truyền máu – Huyết học (cơ sở 2) quản lý. Theo Sở Tài chính, từ năm 2013, BV Truyền máu- Huyết học có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do Sở TN-MT TPHCM cấp. Còn theo thông tin của Hội Chữ thập đỏ TPHCM, khu đất này trước đó từng thuộc khu bệnh xá của Hồng Thập Tự (số 201 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1). Năm 1977, Hội Chữ thập đỏ TPHCM thành lập và được UBND TPHCM giao tiếp quản khu đất này làm trụ sở làm việc.
Khu đất này sau đó được tách một nửa theo đề nghị của UBND TPHCM, giao cho Sở Y tế mượn làm BV Truyền máu – Huyết học phục vụ điều trị và lưu trú người bệnh. Từ năm 2011 đến năm 2013, UBND TPHCM đã có các chỉ đạo liên quan đến việc lập dự án đầu tư xây dựng mới trụ sở của Hội Chữ thập đỏ, bao gồm phần diện tích của hội hiện tại và phần diện tích do BV Truyền máu – Huyết học đang sử dụng.
Để có cơ sở báo cáo UBND TPHCM, Sở Tài chính đề nghị Sở TN-MT cung cấp thông tin về tiến độ thực hiện các chỉ đạo của UBND TPHCM liên quan đến lập dự án đầu tư xây dựng mới trụ sở của Hội Chữ thập đỏ. Đồng thời xác định phần diện tích đất 890,8m2 cấp cho BV Truyền máu – Huyết học có bao gồm phần diện tích Hội Chữ thập đỏ đã cho Sở Y tế mượn hay không. Đối với Sở Y tế và BV Truyền máu – Huyết học, Sở Tài chính đề nghị báo cáo toàn bộ quá trình tiếp nhận, quản lý và sử dụng nhà đất số 201 đường Phạm Viết Chánh; kèm toàn bộ hồ sơ pháp lý có liên quan, trong đó xác định rõ phần diện tích đã tiếp nhận từ Hội Chữ thập đỏ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đến ngày 13-10, khu đất 201 đường Phạm Viết Chánh, quận 1 vẫn trong tình trạng cửa đóng, then cài và đại diện BV Chấn thương chỉnh hình cho biết, công tác điều chuyển vẫn chưa được thực hiện.