TPO – Theo kế hoạch, 3 gói thầu của dự án nâng cấp quốc lộ 7 sẽ được hoàn thành lần lượt vào năm 2023 và 2024. Tuy nhiên, đến nay cả 3 gói thầu chưa thể về đích như tiến độ được giao và nguy cơ “lụt” tiến độ vì vướng giải phóng mặt bằng.
Gần 2 năm vẫn chưa xong giải phóng mặt bằng
Ban Quản lý dự án 4 vừa có báo cáo tình hình thực hiện Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 7 đoạn Km0-Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi – Nậm Cắn (tỉnh Nghệ An). Theo đó, đến thời điểm hiện tại, dự án này vẫn chưa thể hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
Quốc lộ 7 dài hơn 220km. Điểm đầu nối từ quốc lộ 1A ở thị trấn Diễn Châu (Nghệ An) và điểm cuối là cửa khẩu Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn). |
Cụ thể, dự án này được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt ngày 18/3/2022 và chính thức khởi công tháng 9/2022. Dự án có tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng với tổng chiều dài 27,5km đi qua các huyện Diễn Châu, Yên Thành và Đô Lương của tỉnh Nghệ An.
Dự án được triển khai nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông quốc lộ 7 theo quy hoạch; tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác, đảm bảo giao thông thông suốt trên hành lang vận tải từ cửa khẩu Nậm Cắn (kết nối với nước bạn Lào) tới các tỉnh ven biển miền Trung; phát huy hiệu quả các đoạn tuyến đã đầu tư trước đây; tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực.
Dự án được chia làm 3 gói thầu xây dựng 01,02 và 2. Trong đó gói thầu 02 được dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2023 nhằm kết nối với dự án cao tốc đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu. 2 gói thầu còn lại được hoàn thành vào năm 2024. Tuy nhiên, đến tháng 7/2024, cả 3 gói thầu xây dựng vẫn chưa thể về đích. Trong đó gói thầu 01 đạt 72,6%, gói thầu 02 đạt 69,5%, gói thầu 03 đạt 79,1%.
Có nhiều nguyên nhân khiến các gói thầu chưa thể hoàn thành. Tuy nhiên, phần lớn do dự án còn vướng mặt bằng trên tuyến. Mặt bằng được bàn giao không liên tục khiến việc thi công gặp khó. Theo báo cáo, đến giữa tháng 7/2024, 3 huyện Yên Thành, Đô Lương, Diễn Châu đã bàn giao mặt bằng được 52,84km/55,4km, đạt 95,37% tính cả trái và phải tuyến.
Sau gần 2 năm thi công, dự án vẫn còn vướng mặt bằng. Trong ảnh cầu vượt đường sắt xã Diễn Phúc (Diễn Châu, Nghệ An) chưa thể thi công phía Tây cầu vì vướng mặt bằng nhà dân. |
Tại huyện Diễn Châu, dự án đi qua dài 18,6km. Đến thời điểm hiện tại, huyện này đã bàn giao được 17,3km và hiện còn vướng mặt bằng hơn 1,2km.
Ngày 24/7, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Mạnh Hiên – Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu, Nghệ An – cho biết, hiện huyện này vẫn còn 21 hộ dân chưa chấp thuận phương án bồi thường, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Các hộ dân chưa đồng ý giải phóng mặt bằng nằm ở các xã Diễn Thành, Diễn Phúc và Diễn Cát.
Theo Phó Chủ tịch huyện Diễn Châu, nguyên nhân khiến các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng do một số hộ vướng mắc về giấy tờ thủ tục đất đai, một số hộ yêu cầu mức bồi thường cao hơn, một số yêu cầu bồi thường phần đất không nằm trong bìa được cấp.
“Huyện đang triển khai theo 2 phương án. Trong đó 1 là ưu tiên vận động tuyên truyền. Cùng với đó là lên phương án bảo vệ thi công. Tuy nhiên, những trường hợp không thể vận động mới bảo vệ thi công. Còn trường hợp nào còn khả năng vận động thì vẫn tiếp tục vận động”, ông Lê Mạnh Hiên nói.
Lên phương án bảo vệ thi công
Huyện Yên Thành có 27,7km chiều dài dự án đi qua. Tính đến tháng 7 này đã bàn giao được 26,6km và còn vướng mặt bằng gần 1,1km với 58 hộ dân chưa chấp thuận phương án đền bù.
Nhiều điểm mặt đường chưa được nâng cấp mở rộng khiến các phương tiện qua lại khó khăn. |
Ông Nguyễn Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành (Nghệ An) cho biết, 58 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án chưa chấp thuận phương án đền bù giải phóng mặt bằng do họ yêu cầu đền bù cả phần đất hành lang giao thông.
“Huyện đã phải thành lập Ban thực hiện bảo vệ thi công và đang trình xin ý kiến của Công an tỉnh Nghệ An để bố trí lực lượng bảo vệ thi công”, Phó Chủ tịch huyện Yên Thành nói.
Huyện Đô Lương có hơn 9km ảnh hưởng bởi dự án, còn vướng mặt bằng hơn 200m.
Lãnh đạo huyện Diễn Châu cho biết, ngoài việc vướng mắc giải phóng mặt bằng thì đơn vị thi công chậm khiến cuộc sống người dân hai bên đường và phương tiện giao thông bị ảnh hưởng lớn. |
Trước tình hình trên, Bộ GTVT đã gia hạn cho dự án được kéo dài đến tháng 11/2024 phải hoàn thành. Thế nhưng ghi nhận thực tế tại hiện trường thi công vẫn còn ngổn ngang. Trong đó cầu vượt đường sắt qua địa bàn xã Diễn Phúc chưa thể làm phần cầu phía Tây đường sắt do vướng mặt bằng của một hộ dân.
Theo đại diện Ban Quản lý Dự án 4 (Bộ GTVT) cho biết, đơn vị này đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Nghệ An và đề xuất tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương phải bàn giao mặt bằng các đoạn còn vướng mắc chậm nhất trong tháng 7/2024. Đối với những hộ dân cản trở, chống đối, không đủ điều kiện để đền bù, đề nghị các huyện tổ chức bảo vệ thi công chậm nhất trong tháng 7/2024.
Nguồn: https://tienphong.vn/i-ach-du-an-len-doi-quoc-lo-hon-1300-ty-dong-post1657822.tpo