3 năm sau sẽ hoàn thành
Sau khi được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương, dự án sẽ lập, thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, chuẩn bị công tác bồi thường (dự kiến di dời 1.017 căn nhà) trong năm 2024. Năm 2025, cơ quan chức năng sẽ tiến hành bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đồng thời khởi công và hoàn thành công trình sau 3 năm. Ngoài bờ bắc, TP.HCM cũng đang nghiên cứu làm dự án chỉnh trang đô thị, di dời và tái định cư, cải thiện điều kiện sống cho các hộ dân sống trên và ven bờ nam kênh Đôi. Theo đó, hành lang bảo vệ bờ nam kênh Đôi rộng 13 m, dài 9,7 km sẽ được xây bờ kè và cải tạo mở rộng toàn khu vực rộng 39 ha, tổng vốn đầu tư hơn 9.000 tỉ đồng. Dự án này cần thu hồi hơn 35 ha với 5.055 hộ dân.
Đây không phải là lần đầu tiên TP.HCM trình kế hoạch di dời, chỉnh trang lại kênh Đôi. Những năm trước đây, TP cũng đã đưa vào nghị quyết của Đảng bộ TP.HCM về kế hoạch di dời, chỉnh trang dòng kênh này cùng với nhiều con sông, kênh, rạch khác trên địa bàn. Có những thời điểm chính quyền đã xuống kiểm kê, chuẩn bị đền bù nhưng sau đó đã dừng lại cho đến nay.
TP.HCM điều chỉnh quy hoạch, gỡ vướng cho 88 dự án nhà ở xã hội
Mới đây nhất là vào năm 2021, Sở Xây dựng gửi UBND TP.HCM kế hoạch chỉnh trang, phát triển đô thị giai đoạn 2021 – 2025. Do dự án có quy mô và số lượng lớn nhà dân cần di dời, Sở Xây dựng kiến nghị chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 di dời 2.670 căn nhà, tổng ngân sách 9.073 tỉ đồng. Trong đó, phần bồi thường giải phóng mặt bằng là 6.300 tỉ đồng.
Giai đoạn này, dự án giải tỏa các nhà lấn chiếm kênh rạch, kè bờ, nạo vét kênh và xây hạ tầng như mở rộng hẻm, kết nối giao thông đường thủy, tổ chức hoạt động kinh doanh, mua bán theo hình thức “trên bến dưới thuyền” phát huy cảnh quan sông nước của khu vực. Giai đoạn 2 sẽ di dời 2.385 căn và nhà đầu tư trúng thầu sẽ trả lại cho ngân sách phần đã thực hiện ở giai đoạn 1. Dự án giai đoạn này kéo dài đến đường Phạm Thế Hiển sau khi đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư.
Có mặt tại khu vực kênh Đôi, PV Thanh Niên chứng kiến cảnh người dân sống chen chúc trong các căn nhà tạm bợ được xây dựng trên dòng kênh.
Anh Thanh, chủ một hộ dân tại đây, cho biết gia đình anh đã sinh sống trên dòng kênh Đôi từ năm 1999 đến nay. 12 người cả lớn cả bé sống trong căn nhà tạm bợ, rộng khoảng 40 m2 nên điều kiện sinh hoạt chật chội, bức bối. Ngoài nhà anh Thanh, “xóm nhà trên sông” đa số là nhà tạm bợ làm bằng vách gỗ, mái tôn. Mọi sinh hoạt của người dân đều ở trên dòng sông. Khi chúng tôi hỏi về kế hoạch di dời người dân để chỉnh trang kênh Đôi, anh Thanh cho biết đã nghe nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu.
“Lần đầu tiên tôi nghe di dời giải tỏa là cách đây 20 năm. Đến giờ tôi lấy vợ, đẻ con được gần 20 tuổi rồi mà chưa thấy đâu, chỉ toàn nghe nói. Nếu có làm mong TP làm sớm và có chính sách hỗ trợ để người dân an cư. Bởi với căn nhà của tôi, chắc không đủ điều kiện để tái định cư. Bồi thường cũng không đủ để mua một căn nhà mới trong khi gia đình có đến 12 nhân khẩu”, anh Thanh nói.
Ông Nhơn, một hộ dân tại đây, chia sẻ TP đã nhiều lần lên kế hoạch chỉnh trang kênh Đôi nhưng bất thành do dùng phương thức xã hội hóa. Tuy nhiên, lần này ông tin TP sẽ làm được vì dùng vốn ngân sách tương tự như cách làm ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè hay dự án Tân Hóa – Lò Gốm. “Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè dùng vốn ngân sách làm mới nhanh được. Mấy dự án như thế này đền bù rất khó khăn, thậm chí khó có lời, nên tư nhân không mặn mà vì họ chỉ chú ý đến lợi nhuận. Nhà nước không vì mục tiêu lợi nhuận mà vì mục tiêu chung là giúp TP phát triển, phục vụ cho số đông, không phải phục vụ cho lợi ích của một số ít người nên tôi tin người dân sẽ ủng hộ, đồng thuận vì cái chung”, ông Nhơn nói.
TP.HCM điều chỉnh 4 dự án giao thông với số vốn hơn 11.400 tỉ đồng
Chọn phương án “sống chung với lũ”
Theo ông Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, TP đã có kế hoạch để di dời được 6.500 căn trong giai đoạn 2021 – 2025 kết hợp với các chương trình giải quyết ô nhiễm, chương trình nhà ở, đề án phát triển kè sông và kinh tế ven sông. Tuy nhiên, đến nay kế hoạch này tiến hành rất chậm bởi TP dùng hình thức hợp tác công tư (PPP) nhưng sau đó luật không cho phép dùng hình thức này, trong khi vốn ngân sách hạn chế khiến chương trình bị “tắc”.
Ông Vương Quốc Trung, Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển, cũng lo ngại việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước sẽ khó khăn. Ngoài ra, việc tìm kiếm vị trí thích hợp để di dời, tái định cư cho các hộ gia đình cũng là một trong những thách thức lớn. TP đã không còn nhiều không gian trống để xây dựng khu dân cư mới, đặc biệt là vùng gần khu trung tâm. Để giải quyết vấn đề này, ông Trung đề xuất TP.HCM có thể vận dụng cơ chế trong Nghị quyết 98, trong đó HĐND TP.HCM có thể sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Quỹ đất sau khi thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng được bán đấu giá để hoàn trả ngân sách TP.
Trong lúc vốn ngân sách hạn chế, TS-kiến trúc sư Nguyễn Thiểm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TP.HCM, đề xuất phương án xã hội hóa nguồn lực từ các doanh nghiệp là giải pháp tối ưu. “Hãy tư duy bằng cách các bên cùng hưởng lợi, cùng chịu trách nhiệm thì mới giải quyết được vấn đề. Nếu chỉ nhìn một phía nhà nước có lợi mà không nhìn thấy cái lợi của nhà đầu tư, của người dân thì chẳng có nhà đầu tư nào tham gia, nhất là trong bối cảnh pháp lý vướng, kinh tế đang vô cùng khó khăn”, ông nói.
Không ủng hộ việc di dời, giải tỏa, bà Châu Mỹ Anh (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), đề xuất một phương án táo bạo là “sống chung với lũ”. Bởi TP.HCM có hơn 300 năm hình thành và phát triển, hình ảnh các ngôi nhà ven, trên bờ sông, kênh rạch đã trở thành ký ức quen thuộc của người dân TP nói riêng và của mọi người khi nhắc đến Sài Gòn – Gia Định nói chung. Theo bà, việc chỉnh trang lại các bờ kênh có vẻ làm cho đô thị trông sạch sẽ hơn, nghiêm chỉnh hơn, nhưng có hay không việc đô thị mất đi sức sống của sinh hoạt người dân, của những hồi ức về lịch sử đô thị khi các con thuyền chở hàng hóa từ khắp nơi về buôn bán, những tiếng reo hò, mùi thơm cũng như mùi của nông sản hư hao hòa quyện vào vùng đất đô thị này.
Do vậy, giải pháp bà Châu Mỹ Anh đưa ra là: Thay vì tiến hành cưỡng chế, giải phóng mặt bằng thì bài học từ Thái Lan cho thấy họ đã quy hoạch thành các khu chợ nổi thu hút khách du lịch. Người dân nơi đây không bị quá trình đô thị hóa cướp đi nơi sinh sống, công việc mà còn được hưởng lợi nhiều hơn từ chính sách bảo tồn, quản lý và thúc đẩy du lịch của nhà nước. Trước mắt do chưa có nguồn lực thì cần tập trung vào từng dự án, địa bàn trọng tâm, tránh đầu tư dàn trải. Đồng thời có đánh giá từng tiêu chí phù hợp về nguồn lực tài chính và con người. Hoàn thiện các chính sách, cơ chế đặc thù khuyến khích xã hội hóa nguồn vốn. Tăng cường tiếp cận các nguồn vốn vay của tổ chức tín dụng, các định chế tài chính quốc tế như vốn ODA, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA)…
Càng làm càng chậm
Thống kê từ năm 1993 đến nay cho thấy lòng kênh bị thu hẹp do hộ dân lấn chiếm, với tổng số căn hộ sinh sống trên và ven kênh rạch lên đến hơn 65.000 căn. Đến nay sau nhiều lần ra nghị quyết, TP.HCM mới di dời được hơn 38.000 căn nhà. Việc di dời nhà trên và ven kênh rạch ngày càng chậm theo thời gian. Cụ thể, giai đoạn 1993 – 2000 đã di dời được 9.266 căn, giai đoạn 2001 – 2005 di dời được 15.548 căn, giai đoạn 2006 – 2010 di dời được 7.542 căn, giai đoạn 2011 – 2015 di dời được 3.350 căn và giai đoạn 2016 – 2020 di dời được 2.479 căn.