Trong tuần qua, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Trong đó, Quốc hội đang xem xét đề xuất của Chính phủ về việc áp dụng Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 vào tháng 8/2024, tức là sớm hơn 5 tháng so với quyết định trước đó.
Tại phiên biểu quyết ngày 8/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có nhiều quy định đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn mới.
Việc sớm triển khai thi hành các luật nêu trên sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, bất cập, đưa các chính sách mới đã được Quốc hội quyết định vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững, đẩy mạnh phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng khẳng định: Cả 3 luật này đều tác động tích cực đối với thị trường bất động sản.
Trong đó, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 là 2 luật được Bộ Xây dựng soạn thảo sẽ tạo ra động lực lớn cho thị trường bất động sản hồi phục và phát triển bền vững trong tương lai. Vì vậy, trong bối cảnh thị trường hồi phục chậm như hiện nay, việc áp dụng sớm các luật này là cần thiết.
“Gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã trình bày những ưu điểm của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản mới có thể tạo ra tác động tích cực đối với thị trường bất động sản nếu được áp dụng sớm trước 5 tháng. Vì vậy, chúng tôi hy vọng các Đại biểu Quốc hội sẽ ủng hộ, bấm nút để chính sách này được thông qua”, ông Hoàng Hải nói.
Phân tích rõ hơn về điều này, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản cho biết: Luật Nhà ở 2023 có nhiều ưu điểm, trong đó “điểm nhấn” đó là tạo ra nguồn cung cho nhà ở xã hội.
“Luật Nhà ở 2023 đã giải quyết được nhiều bất cập cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng như các địa phương trong thời gian”, ông Hải nói.
Cụ thể, liên quan đến việc bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội, Luật Nhà ở năm 2023 quy định tại các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III, căn cứ quy định của Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội.
Hoặc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại đô thị đó hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội.
“Như vậy, nghĩa vụ về nhà ở xã hội của các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được thực hiện linh hoạt hơn Luật Nhà ở 2014”, ông Hải nói.
Bên cạnh đó, Luật Nhà ở 2023 quy định rõ việc miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án và không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn theo quy định của pháp luật về đất đai.
Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội, được ưu đãi tối đa 20% tổng diện tích đất ở, hoặc 20% tổng diện tích sàn xây dựng của dự án) để xây dựng công trình, kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại theo chủ trương đầu tư dự án đã được chấp thuận.
Luật cũng bổ sung Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê.
Bổ sung thêm hình thức phát triển nhà lưu trú công nhân và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân để tạo điều kiện cho các đối tượng là công nhân, đối tượng lực lượng vũ trang nhân dân được tiếp cận nhà ở; cho phép doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp được thuê lại nhà lưu trú công nhân để bố trí cho công nhân của mình thuê lại.
Luật cũng bãi bỏ quy định về điều kiện cư trú khi mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ còn điều kiện về nhà ở và thu nhập để giúp người dân dễ dàng tiếp cận nhà ở xã hội; đối với trường hợp thuê nhà ở xã hội thì không yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện về nhà ở, thu nhập, chỉ cần đúng đối tượng.
Luật hoàn thiện hơn việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để đảm bảo đồng bộ với pháp luật về đầu tư, đất đai, đấu thầu. Quy định cụ thể phương pháp, thời điểm xác định nhằm bảo đảm cụ thể, dễ thực hiện trong việc xác định giá bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội.
Đối với Luật Kinh doanh bất động sản 2023, ông Hoàng Hải khẳng định: Luật này sẽ giúp thị trường phát triển minh bạch, bền vững thông qua hàng loạt quy định mới về chuyển nhượng bất động sản, hoặc quy định rõ về kinh doanh dịch vụ bất động sản và đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ hành nghề trong kinh doanh dịch vụ bất động sản.
Cụ thể, Luật Kinh doanh bất động sản đã bổ sung quy định cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải đáp ứng điều kiện phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.
Quy định này góp phần minh bạch hóa, chuyên nghiệp hóa hơn nữa các hoạt động môi giới, giao dịch bất động sản; phòng ngừa, hạn chế các bất ổn thị trường do các hoạt động môi giới, kinh doanh dịch vụ bất động sản thiếu sự kiểm soát hiệu quả.
“Các giao dịch kinh doanh bất động sản được chuẩn hóa hơn, minh bạch hơn, khách hàng được bảo vệ quyền lợi, chủ đầu tư và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có cơ sở pháp lý rõ ràng, đồng bộ để xác lập, ký kết, thực hiện các giao dịch bất động sản thông suốt”, ông Hải nói.
Nguồn: https://www.congluan.vn/bo-xay-dung-hy-vong-quoc-hoi-ap-dung-som-cac-luat-lien-quan-toi-thi-truong-bat-dong-san-post299457.html